Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông mất ngày 20 tháng 04 năm 1954 tại Yên Thế, Bắc Giang.
2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền dục Nho học, được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng.
Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì. Ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.
Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà đã vào Sài Gòn. Mặc dù không thật sự thành công trong cuộc thử sức ở Nam Kì, nhưng tại đây, Ngô Tất Tố đã có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới, cũng như theo đuổi nghề báo để chuẩn bị sau này trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Trong thời kỳ này, ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân…
Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội. Ông tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An Nam tạp chí, Thần chung, Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần báo, Thực nghiệp, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba, Tương lai, Công dân, Đông Pháp thời báo, Đông Phương, Thực nghiệp, Thời vụ, Hà Nội tân văn, Tuần lễ… với 29 bút danh khác nhau như: Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ… Trong thời gian những năm 1936 – 1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại tham nhũng phong kiến. Thời kỳ này, Ngô Tất Tố từng bị chánh sở mật thám Hà Nội gọi lên “để mua chuộc”, nhưng ông từ chối. Ngoài ra, nhiều lần Ngô Tất Tố bị cấm viết báo và bị trục xuất khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Năm 1939, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh cấm tác phẩm Tắt đèn. Nhà Ngô Tất Tố ở Bắc Ninh bị nhà chức trách khám xét và ông bị bắt giam ở Hà Nội vài tháng
Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào ủy ban giải phóng ở xã Lộc Hà quê ông. Năm 1946, ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này, ông đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng chi hội văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc khu XII, Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc trung ương…ngoài ra, ông còn viết văn. Ngô Tất Tố được bầu vào vị trí ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam tại đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948).
3. TÁC PHẨM
Tiểu thuyết:
– Trong rừng Nho (1937).
– Tắt đèn (1937).
Truyện ký:
– Đề Thám (viết chung, 1935).
– Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (1935).
Phóng sự:
– Tập án cái đình (1939).
– Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, báo Thời vụ, 1939 – 1944).
– Việc làng (báo Hà Nội tân văn, 1940 – 1941).
Dịch:
– Ngô Việt Xuân Thu (1929).
– Hoàng Hoa Cương (1929).
– Thơ và tình (thơ Trung Quốc, 1940).
– Đường thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940).
– Hoàng Lê nhất thống chí (tiểu thuyết lịch sử, báo Đông Pháp, 1942, 1956).
– Suối thép (1946).
– Trước lửa chiến đấu (1946).
– Trời hửng (1946).
– Duyên máu (1946).
– Doãn Thanh Xuân (1946 -1954).
Nghiên cứu, biên soạn
– Phê bình “Nho giáo” của Trần Trọng Kim (1940).
– Văn học đời Lý (tập I) và Văn học đời Trần (tập II) (trong bộ Việt Nam văn học) (1942).
– Thi văn bình chú – tủ sách Tao Đàn, Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội (tuyển chọn, giới thiệu, 1941).
– Lão Tử (biên soạn chung, 1942).
– Mặc Tử (biên soạn, 1942).
– Địa dư các nước châu Âu (biên soạn chung với Văn Tân, 1948).
– Địa dư các nước châu Á, châu Phi (biên soạn chung với Văn Tân, 1949).
– Địa dư Việt Nam (biên soạn, 1951).
– Kinh dịch (chú giải, 1953).
Kịch:
– Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (kịch bản chèo, 1951).
– Đóng góp (1951).
4. GIẢI THƯỞNG
– Giải ba về dịch thuật (tác phẩm “Trời hửng”, “Trước lửa chiến đấu”), giải thưởng Văn nghệ 1952 – 1959 của Hội Văn nghệ Việt Nam.
– Giải khuyến khích (vở chèo “Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác”) giải thưởng Văn nghệ 1952 – 1959 của Hội Văn nghệ Việt Nam.
– Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I, năm 1996.