Tần Minh là một pháp y, tác giả trẻ, sinh năm 1981, quê ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tần Minh bắt đầu sáng tác từ năm 2012, nổi tiếng lên từ trang mạng xã hội Weibo. Ở đó tác giả có thể tương tác với các bạn đọc thường xuyên, tạo nên sự kết nối ngày càng lan tỏa, từ đó nhận được sự quan tâm, yêu mến của đông đảo các độc giả không chỉ ở trong nước.
Đó cũng là động lực để tác giả cho ra đời bộ tiểu thuyết Bác sĩ pháp y Tần Minh, đã “làm mưa làm gió” trong giới văn chương Trung Quốc đương đại và được các bạn đọc Việt Nam đón nhận nhiệt tình.
Người sống sót là tập thứ 5 trong series Bác sĩ pháp y Tần Minh chính thức ra mắt độc giả vào những ngày tháng 7 nắng, mưa “không đoán định được”.
Cũng như 4 tập trước của Bác sĩ pháp y Tần Minh, đến tập thứ 5 này – Người sống sót vẫn giữ nguyên bản sắc: “thứ nhất, dùng các vụ án riêng lẻ làm cơ sở, chèn vào mạch truyện chính; thứ hai, lấy những vụ án có thật để làm nguồn, nhằm mục đích chia sẻ kiến thức, không giả dối, không bịa đặt, không thêm thắt; thứ ba, tuyệt đối không vi phạm tinh thần khoa học”.
Người sống sót có tất cả 11 vụ án, trong đó có 2 nhóm vụ án A, B diễn ra song song là mạch chính. Các vụ án mạng xảy ra liên tiếp, trong bối cảnh âm u, huyền bí khiến người đọc không thể dứt khỏi cuốn sách.
Với cách đan xen khéo léo, trí tuệ và sáng tạo của người viết, khiến cho mạch truyện mạch lạc, các tình tiết liên tiếp gối đầu bám sát vụ án chính, duy trì sự hấp dẫn từ đầu đến cuối cho tác phẩm. Cách miêu tả rất tỉ mỉ, dễ hiểu giúp người đọc thích thú với những kiến thức pháp y thú vị.
Bên cạnh đó, bằng những miêu tả về khung cảnh thiên nhiên, tâm lý nhân vật hay việc rút ra nhiều triết lý nhân văn khiến cuốn truyện mang vẻ đẹp văn chương độc đáo. Có lẽ vì người viết là một bác sĩ pháp y chính hiệu nên chân thật là điều cốt lõi, nhưng cái đặc biệt ở chỗ vẫn chứa đựng chất văn chương.
Là độc giả truyện trinh thám, ắt hẳn ai cũng tò mò về hung thủ là ai? Động cơ ra tay của hắn là gì? Thủ đoạn của hung thủ như thế nào? Và nếu như đọc đến những dòng cuối cùng của tác phẩm và không nhận ra được điều gì "hack não", rất có thể người đọc sẽ thất vọng.
Nhưng Người sống sót đã hoàn thành xuất sắc “sứ mạng” của mình là đem đến sự tò mò, hiếu kỳ cho các bạn đọc. Những vụ án tương tự nhau về cách thức gây án, cùng là cô dâu, cùng là người già neo đơn nhưng lại ở hai địa điểm khác nhau và thời gian suýt soát nhau… khiến cho người đọc phải đặt ra nhiều nghi vấn: Hung thủ là ai? Đang trốn ở gầm trời nào? Hai hay nhiều thủ phạm? Hung thủ có bị mắc bệnh về nhân cách? Chỉ là sự bắt chước cách gây án đơn thuần hay chỉ là có sẵn mục đích?
Đến cuối cùng, chân dung hai hung thủ giết người hàng loạt mới được dựng lại. Đó là những người trẻ tuổi bị tổn thương tâm lý từ việc gia đình không hạnh phúc. Những tội ác ghê rợn mà cô bé/ cậu bé kia gây ra, tất nhiên sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật, nhưng thực sự thì họ có hoàn toàn đáng trách hay không?
Một lần nữa, chẳng phải tác giả Tần Minh muốn gửi gắm đến độc giả thông điệp đầy thiêng liêng rằng: “Gia đình cần là nơi đầy yêu thương thì con trẻ mới có thể phát triển bình thường, lành mạnh cả về trí tuệ và nhân cách” đó sao?!
Sự kết hợp giữa chất hiện thực phá án tàn khốc và mềm mại của văn chương; giữa sự biến chất đáng sợ trong nhân cách con người và tình người dạt dào luôn hết mình để tìm ra chân lý… tất cả tạo nên sự sâu sắc và tính nhân văn cho Người sống sót. Cuối cùng người đọc vẫn thở phào vì niềm tin muôn đời “lưới trời lồng lộng” và “cái thiện luôn luôn thắng cái ác”.
Chân thật, trí tuệ, kịch tính, thú vị và đầy chất nhân văn… hội tụ đầy đủ những yếu tố này, Người sống sót có thể làm thỏa mãn bất cứ độc giả mê truyện trinh thám nào, dù là khó tính nhất.