Trưởng Lão Thích Thông Lạc, Viện trưởng sáng lập Tu Viện Chơn Như, thế danh là Lê Ngọc An, sinh ngày 17/09/1928, nhằm ngày 04/08 năm Mậu Thìn, tại quê ngoại: 18 Thôn Vườn Trầu, Xã Tân Thới Nhì, Quận Hóc Môn, Tỉnh Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Ngài là người con thứ tư trong một gia đình đông anh em. Tuy vậy, giấy căn cước của Ngài lại ghi sinh năm 1935.
Cha Ngài là Lê Văn Huấn, pháp danh Thích Thiện Thành, trụ trì đời thứ tư của chùa Am, một thầy thuốc Đông y, xuất thân trong gia đình Nho học, quê quán tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Mẹ Ngài là Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Tiểu học sơ cấp, xuất thân trong gia đình Nho học, con của một Ông Cả, Xã Tân Thới Nhì, Quận Hóc Môn, Tỉnh Gia Định. Lúc nhỏ, Ngài đã thích theo cha học hỏi tu hành, nên được cha đặt cho pháp danh Thích Từ Ân.
Năm 1936, vừa tròn 8 tuổi, Ngài được cha mẹ cho xuất gia theo Hòa thượng Thích Huệ Tánh tại Chùa Phước Lưu, Thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh. Thời gian đầu, Ngài được H.T Huệ Tánh, H.T Long An, H.T Thiện Tài, H.T Thiện Hòa trực tiếp chỉ dạy kinh điển và Hán học. Hoà thượng Thích Thiện Hòa còn gửi Ngài vào Trường Cao đẳng Phật học viện Huệ Nghiêm và Đại học Vạn Hạnh. Thời gian sau, Ngài được các vị Hòa thượng giới thiệu đi dạy trong các trường Bồ Đề. Lúc bấy giờ, Ngài đang học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, và tiếp tục hướng tới du học để làm tiến sỹ Phật Học ở nước ngoài. Bên cạnh đó, có những thời điểm Người còn tham gia hoạt động trong các phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mình.
Năm 1970, trong thời gian vừa đi học, vừa dạy học ở các trường tại Thành phố Sài Gòn, đang chuẩn bị du học, thì được tin cha bệnh nặng, Ngài trở về Trảng Bàng chăm sóc và nuôi dưỡng cha. Ba tháng sau, cha Ngài qua phần. Nhìn thấy cảnh bệnh tật và sự ra đi đau đớn của người cha, Ngài suy nghĩ: “Cuộc đời này chẳng có gì cả, chỉ toàn là đau khổ. Vậy chạy theo danh lợi để làm gì?”. Với lòng thương cha vô hạn, mong muốn sẽ cứu độ được cha nếu mình chứng đạo, Ngài quyết định từ bỏ đi du học, dốc hết sức lực vào việc tu tập.
Thời gian này, làn sóng Thiền Tông tràn đến như một luồng gió mới. Ngài rời bỏ danh lợi thế gian, theo Hòa thượng Thích Thanh Từ tu tập Thiền Tông, là một trong mười đệ tử đầu tiên của Hòa thượng – với pháp danh là Thích Thông Lạc. Trong ba tháng an cư 1970, Ngài được Hòa thượng Thích Thanh Từ giảng dạy pháp môn Tri Vọng. Với sự tin tưởng tuyệt đối vào sư phụ, Ngài công phu nhiệt tâm không ngơi nghỉ. Có lần Hòa thượng nói: “Trong hội chúng có người đại tinh tấn”. Ai cũng ngầm hiểu đó là Ngài.
Rời khỏi Chơn Không, Ngài lên đỉnh Ma Thiên Lãnh, thuộc Hòn Sơn, Kiên Giang, tu tập trong hang đá. Những người thợ rừng thỉnh thoảng mang cơm gạo cúng dường Ngài. Ngài cảm thấy không tiện nên tập ăn lá cây rừng, uống nước suối, sống cách xa người đời, một mình tu hành suốt thời gian chín tháng. Song, trong lòng vẫn nhớ mẹ không nguôi, nên Người trở về Trảng Bàng, sống bên mẹ và tiếp tục tu hành.
Lúc trở về, Ngài nói với mẹ: “Mẹ ráng nuôi con ngày một bữa, đời con chỉ biết có tu hành mà thôi”. Rồi Ngài khép cửa thất, ôm pháp môn Tri Vọng mà tu. Thời gian đó, tuy chiến sự diễn ra ác liệt. Ngài vẫn bền gan bền chí bám trụ trú xứ, quyết tâm tu hành. Ngài nhiệt tâm, tinh tấn như vậy suốt 10 năm trời.
Một hôm, Ngài bắt chân ngồi sát bàn Phật mà không biết, đến khi xả thiền, kéo chân ra đụng vào góc bàn Phật, Ngài ĐẠI NGỘ. Ngài thông suốt tất cả công án và kinh sách Đại Thừa. Việc tu tập Thiền Tông Tối Thượng Thừa đến đây là xong, Ngài đã chứng Thiền Tông.
Nhưng khi trở ra đời sống bình thường, không ở trong định, thì Ngài thấy tâm mình vẫn còn Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và còn mạnh hơn lúc chưa tu tập. Tu xong rồi mà tâm vẫn còn phiền não, bệnh đau phải đi bác sĩ, phải uống thuốc, và không biết cách nào làm chủ sự sống chết. Tu hành chỉ có thông suốt tất cả những công án và kinh sách Ðại Thừa để làm gì?
Tu tiếp thì đã tận cùng con đường Thiền Tông rồi, đi tiếp sao đây? Trở lại đời thì quá muộn, 52 tuổi rồi. Đạo không đạt mà đời không xong. Ngài rất buồn nản, chỉ muốn chết đi cho xong, 10 năm tu tập trong thất rất là gian khổ, rốt cuộc đời tu hành của Ngài trở về số không.
Trong lúc tuyệt vọng, tình cờ lật cuốn kinh Nikaya, đọc bài “Đại Kinh Saccaka” do hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Ngài nghi ngờ mình đã tu lầm đường. Một niềm hy vọng lóe lên, Ngài bỏ thì giờ nghiên cứu Đại Tạng Kinh Nikaya đã được Hòa Thượng Minh Châu Việt dịch, Ngài hiểu rõ ràng lời Phật dạy, biết được tu như thế nào, tu pháp gì và sẽ chứng được cái gì. Mọi việc sáng như ban ngày, càng tu càng thích. Thế rồi chỉ sau 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1980, Ngài lần lượt nhập được SƠ THIỀN, NHỊ THIỀN, TAM THIỀN, TỨ THIỀN và đêm cuối cùng Ngài hoàn tất TAM MINH – LÀM CHỦ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT vào ngày 17/10/1980 (tức ngày 09/09 Âm lịch).
Cuối năm 1980, mẹ Người thanh thản qua phần, sau ba tháng được Người hướng dẫn tu tập. Từ đây, Người chuyên tâm vào việc chấn hưng Phật pháp:
– Việc thứ nhất là trùng tu lại ngôi Chùa Am ngày xưa, lấy tên là TU VIỆN CHƠN NHƯ;
– Việc thứ hai là chấn chỉnh lại tinh thần, đường lối Chánh pháp của Phật Thích Ca. Từ những kinh nghiệm tu hành, Người đã biên soạn rất nhiều bộ sách, chuyên giảng dạy “Đạo đức Nhân bản – Nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh”, và những phương pháp tu tập làm chủ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT cho Tu sinh, Phật tử trong và ngoài nước.
Với lòng thương yêu chúng sanh vô bờ bến, Ngài đã không ngừng vượt qua bao sóng gió, gian nan, thử thách để tạo duyên giáo hóa chúng sanh và dựng lại Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca. Trong suốt hơn 33 năm (1980 – 2013) giáo hóa, Ngài đã để lại cho hậu thế một kho tàng pháp bảo vô giá; trong đó gồm có hơn 30 bộ sách với trên 50 đầu sách, hơn 2000 bài pháp âm, nhiều những video bài giảng, và hàng trăm bức tâm thư… đã được lưu lại. Đây chính là những tri kiến cần thiết và các pháp hành cụ thể, thiết thực giúp mọi người có thể tu tập đạo Phật theo lộ trình từ thấp đến cao, từ việc sống đúng “Đạo đức Nhân bản – Nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người, và khổ chúng sanh” cho đến đạt được mục đích giải thoát rốt ráo – “Làm chủ sanh, già, bệnh, chết”.
Đúng 0 giờ, ngày 02/01/2013 (tức ngày 21/11 năm Nhâm Thìn), Trưởng lão Thích Thông Lạc đã nhập diệt vào Niết Bàn, sau khi giao phó trọng trách cho các thế hệ mai sau tiếp tục sứ mạng giữ gìn Chánh pháp của Phật, với tâm huyết của Ngài: “CHƠN NHƯ vẫn sẽ là nơi dựng lại nền Đạo đức Nhân bản – Nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Nơi đây sẽ mãi mãi đi vào dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam và loài người trên thế giới”.