So với trước Cách mạng tháng Tám và ngay cả với thời kỳ kháng chiến toàn quốc, thì ngày nay tên tuổi và sáng tác của nhà văn Xô Viết vĩ đại M. Gorki đã trở thành quen thuộc hơn nhiều đối với đông đảo bạn đọc Việt Nam. Chúng ta đã được đọc trọn vẹn quyển tiểu thuyết nổi tiếng Người mẹ mà trước đây các chiến sĩ cách mạng của chúng ta đã phải lén lút chép tay từng đoạn và bí mật chuyền nhau xem trong các nhà tù của đế quốc, một số truyện ngắn và bút ký trích trong tập Trên nước Nga, Những mẩu chuyện về nước Ý, ở Mỹ, vở kịch Dưới đáy. Gần đây, chúng ta lại được thưởng thức tài nghệ của nhà văn qua tác phẩm Gia đình Acta mô nốp và bộ truyện tự thuật Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi. Về lý luận văn học, chúng ta đã được tiếp xúc với một số bài phát biểu quan trọng của Gorki như Người độc giả, Các ông đứng về phe nào, hỡi các bậc thầy văn hóa? Tôi đã học viết như thế nào, Văn học Xô Viết, v.v... Lần này nhà xuất bản Văn học lại cho in tuyển tập M. Gorki bàn về văn học gồm một số bài báo, diễn văn tiêu biểu của Gorki trước và sau Cách mạng tháng Mười, một ít thư từ đề cập trực tiếp đến những vấn đề văn học và sắp tới sẽ xuất bản một số bài hồi ký của tác giả về các nhà văn Nga, Xô Viết và nước ngoài. Trong lúc chúng ta đang ra sức xây dựng một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa mang đậm đà tính chất dân tộc, tính chất hiện thực và chiến đấu, tập hợp và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ lý luận có khả năng đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và của Đảng ta soi rọi vào quá trình sáng tạo nghệ thuật, thì việc xuất bản tuyển tập bài lý luận của Gorki là một nhiệm vụ cấp thiết...