Bạn có sợ chết không? Bạn có tự hỏi điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết không? Có thể nào bạn có một linh hồn đến từ đâu đó và sẽ trở về đó sau khi thân xác bạn chết đi, hay đó chỉ là một điều ước ao vì bạn quá sợ hãi?
Có một nghịch lý rằng con người, duy nhất trong mọi tạo vật trên Trái đất, phải kìm nén nỗi sợ cái chết để sống bình thường. Nhưng bản năng sinh học của chúng ta không bao giờ cho chúng ta quên nỗi nguy hiểm tối cao này của sự tồn tại của chúng ta. Khi chúng ta già đi, bóng ma của cái chết cũng lớn dần lên trong tâm trí chúng ta. Thậm chí cả những người theo tôn giáo cũng sợ cái chết là sự kết thúc của mỗi cá nhân. Nỗi sợ lớn nhất đối với cái chết đem đến những suy nghĩ về sự vô nghĩa của cái chết, điều kết thúc mọi mối liên hệ với gia đình và bạn bè. Cái chết làm cho mọi mục đích thực tiễn của chúng ta trở nên phù phiếm.
Nếu cái chết là sự kết thúc mọi điều của chúng ta thì cuộc sống quả thật thực là vô nghĩa. Tuy nhiên, một sức mạnh nào đó trong chúng ta cho phép con người suy tưởng về sự tiếp tục sau đó và cảm nhận được mối liên hệ với một thế lực cao hơn và thậm chí là linh hồn bất tử. Nếu chúng ta thật sự có linh hồn thì nó sẽ đi về đâu sau khi chúng ta chết? Có thực sự có một loại thiên đường chứa đầy những linh hồn thông thái ở bên ngoài thế giới vật lý của chúng ta? Nó trông ra sao? Chúng ta sẽ làm gì khi tới được đó? Có một thực thể tối cao chịu trách nhiệm về thiên đường đó? Những câu hỏi này xưa như chính loài người và vẫn là một bí ẩn với đa số chúng ta.
Những câu trả lời đích thực cho đời sống sau cái chết vẫn được đóng kín sau cánh cửa tâm linh đối với đa số mọi người. Đó là bởi vì ở trong chúng ta vốn sẵn có khả năng quên đi danh tính của linh hồn chúng ta, điều mà ở mức độ nhận thức, sẽ giúp cho sự hợp nhất của linh hồn và bộ não con người. Những năm gần đây, công chúng đã được nghe về những người chết tạm thời và sau đó sống lại nói về một đường hầm dài, ánh sáng rực rỡ và thậm chí những gặp gỡ ngắn ngủi với những linh hồn thân thiện. Nhưng không có một ấn phẩm nào trong số các cuốn sách đã được viết mang đến cho người đọc nhiều hơn một cái nhìn thoáng qua về tất cả những gì cần biết về cuộc đời sau cái chết.
Cuốn sách này là một cuốn nhật ký gần gũi về thế giới linh hồn. Nó trình bày một loạt các trường hợp thể hiện chi tiết, rõ ràng về những gì xảy ra cho chúng ta khi cuộc sống trên Trái đất kết thúc. Bạn sẽ được dẫn qua đường hầm tâm linh để đến với chính thế giới linh hồn để tìm hiểu về những biến đổi đối với linh hồn trước khi chúng cuối cùng trở lại trên Trái đất trong một cuộc sống mới.
Tôi là một người bản chất hay nghi ngờ, mặc dù nếu xét theo nội dung cuốn sách này thì không có vẻ như vậy. Là một cố vấn và là nhà thôi miên, tôi chuyên nghiên cứu về sự thay đổi cách cư xử để điều trị những rối loạn tâm lý. Một phần lớn trong công việc của tôi bao gồm tái cấu trúc nhận thức ngắn hạn với các bệnh nhân bằng cách giúp họ kết nối những suy nghĩ và cảm xúc để khuyến khích những hành vi lành mạnh. Chúng tôi cùng nhau khơi gợi những ý nghĩa, chức năng và kết quả của những niềm tin của họ vì tôi tin rằng không có một vấn đề tâm lý nào là tưởng tượng.
Trong những ngày đầu mới hành nghề, tôi phản đối những đề nghị đi về kiếp trước của mọi người vì khuynh hướng truyền thống của tôi trong phương pháp điều trị. Trong khi tôi sử dụng các kỹ thuật thôi miên và khôi phục ký ức quá khứ để xác định nguồn gốc của các ký ức khó chịu và những tổn thương của tuổi thơ, tôi có cảm giác mọi cố gắng để đạt đến kiếp trước là không chính thống và không lâm sàng. Sự quan tâm của tôi đối với sự tái sinh và siêu hình học chỉ là sự tò mò lý trí cho đến khi tôi làm việc với một thanh niên trẻ về điều khiển nỗi đau.
Bệnh nhân này than phiền về cảm giác đau đớn kinh niên suốt đời ở phía bên phải. Một trong những công cụ của điều trị bằng thôi miên để điều khiển nỗi đau là hướng dẫn đối tượng làm cho nỗi đau tệ hơn để người đó có thể học cách làm giảm nỗi đau và đạt được kiểm soát. Trong một trong những lần chữa trị có sử dụng cách làm tăng nỗi đau, thanh niên này sử dụng cách tưởng tượng bị đâm để tạo ra sự hành hạ của anh ta. Tìm kiếm nguồn gốc của tưởng tượng này, tôi cuối cùng phát hiện ra kiếp trước anh ta là một người lính trong Thế chiến I và bị giết chết bởi một lưỡi lê ở Pháp, và chúng tôi đã hoàn toàn chiến thắng nỗi đau.
Với sự cổ vũ từ các bệnh nhân tôi, bắt đầu thử nghiệm đưa một số trong số họ đi xa hơn vào thời kỳ trước khi họ tái sinh lần gần nhất trên Trái đất. Ban đầu tôi lo ngại rằng sự nhất quán của nhu cầu hiện tại, niềm tin và sự sợ hãi có thể tạo ra những tưởng tượng rằng điều đó được nhớ lại. Tuy nhiên không lâu sau tôi nhận ra ký ức sâu sắc của chúng ta đưa ra một loạt những trải nghiệm quá khứ quá thực và quá liên quan để có thể bỏ qua. Tôi dần dần thực sự nhìn nhận rõ mối quan hệ giữa các thân xác cùng các sự kiện trong các kiếp quá khứ với con người chúng ta hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong điều trị đến thế nào.
Sau đó tôi khám phá ra một phần quan trọng nữa. Tôi tìm ra rằng có thể nhìn vào thế giới linh hồn qua cặp mắt tâm trí của đối tượng bị thôi miên, người có thể thuật lại cho tôi về cuộc đời giữa các kiếp trên Trái đất.
Trường hợp mở cánh cửa vào thế giới linh hồn cho tôi là một phụ nữ trung niên, một đối tượng bị thôi miên rất nhạy bén. Bà vẫn luôn nói với tôi về cảm giác cô đơn và xa cách của mình trong giai đoạn tinh tế khi bà kết thúc việc nhớ lại cuộc đời gần nhất. Nhân vật đặc biệt này gần như tự mình đi vào trạng thái biến đổi ý thức cao nhất. Không nhận ra rằng tôi đã đưa ra mệnh lệnh quá ngắn gọn cho hành động này, tôi đề nghị bà đi tới nguồn gốc của sự mất mát cảm giác được bầu bạn của bà. Ngay khi đó, tôi vô tình sử dụng một trong các từ kích thích ký ức tâm linh. Tôi cũng hỏi bà có nhóm bạn đặc biệt nào mà bà nhớ tiếc không.
Bệnh nhân của tôi bất ngờ bật khóc. Khi tôi hướng dẫn bà trả lời tôi xem có gì không phải, bà bật ra: “Tôi nhớ một số những người bạn trong nhóm và vì thế tôi cảm thấy thật cô đơn trên Trái đất.” Tôi lúng túng và hỏi bà tiếp tục nhóm những người bạn này thực ra ở đâu. “Ở đây, ở ngôi nhà vĩnh cửu của tôi” bà trả lời đơn giản, “và tôi đang nhìn thấy tất cả bọn họ ngay lúc này!”
Sau khi kết thúc với bệnh nhân này và xem lại các băng ghi âm của bà, tôi nhận ra rằng việc tìm thấy thế giới linh hồn liên quan đến sự mở rộng hơn của quá trình nhớ lại kiếp trước. Có nhiều cuốn sách viết về các kiếp đã qua, nhưng tôi không tìm được cuốn sách nào nói về cuộc đời của chúng ta dưới dạng linh hồn, hoặc làm cách nào để tiếp cận một cách đúng đắn những hồi ức tâm linh của mọi người. Tôi quyết định tự mình nghiên cứu và với thực tế, tôi dần có được những kỹ năng rộng lớn hơn trong việc đi vào thế giới linh hồn thông qua các đối tượng của mình. Tôi cũng nhận thấy rằng đối với mọi người, tìm được vị trí của họ trong thế giới linh hồn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với việc nhớ lại các kiếp trước.
Làm sao có thể chạm được đến linh hồn thông qua thôi miên? Hãy hình dung tâm trí chúng ta có ba lớp vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng nhỏ hơn vòng kế tiếp và nằm trong vòng kế tiếp, ngăn cách với nhau chỉ bởi các lớp liên kết tâm trí-ý thức. Lớp ngoài cùng được đặc trưng bởi tâm ý thức, là nguồn gốc cho các phân tích, phê bình. Lớp thứ hai là tiềm thức, nơi chúng ta đi vào thôi miên để xâm nhập vào bộ nhớ của tất cả những ký ức về những gì đã xảy ra cho chúng ta ở cuộc đời này và những kiếp trước. Lớp thứ ba, lớp cốt lõi sâu kín nhất, là những gì chúng ta gọi là siêu tâm thức. Mức độ này thể hiện trung tâm cao nhất của Bản ngã, nơi chúng ta là biểu hiện của một thế lực cao hơn.
Siêu tâm thức chứa đựng danh tính thực của chúng ta, được nâng lên bởi tiềm thức, nơi chứa đựng những ký ức của những bản ngã đã bị biến đổi trong chúng ta trong những thân xác con người đã qua. Siêu ý thức có thể hoàn toàn không phải là một mức độ, mà là chính linh hồn. Tâm trí siêu ý thức là trung tâm cao nhất của sự thông thái và triển vọng của chúng ta, và tất cả các thông tin về cuộc đời sau cái chết của tôi xuất hiện từ nguồn năng lượng trí năng này.
Thôi miên có giá trị như thế nào trong việc tìm kiếm sự thật? Con người trong trạng thái bị thôi miên không mơ ngủ, cũng như không bị ảo giác. Chúng ta không mơ trong chuỗi thứ tự thời gian cũng như không bị ảo giác trong trạng thái bị thôi miên. Khi đối tượng được đặt vào trạng thái bị thôi miên, sóng não của họ chậm dần từ trạng thái tỉnh thức Bêta và tiếp tục thay đổi các rung động qua trạng thái thiền định Alfa để đi vào một số mức độ khác nhau trong khoảng Thêta. Thêta là thôi miên – không phải ngủ. Khi ngủ, chúng ta đi đến trạng thái Delta cuối cùng, nơi các thông tin từ não bị rơi vào tiềm thức và đi sang các giấc mơ của chúng ta. Trong trạng thái Thêta, tâm trí ý thức không phải là không tỉnh thức nên chúng ta có thể tiếp nhận cũng như gửi đi những thông tin với toàn bộ các kênh của bộ nhớ mở rộng.
Một khi ở trạng thái bị thôi miên, mọi người kể lại các hình ảnh mà họ nhìn thấy và các đối thoại mà họ nghe trong tâm trí không thức tỉnh của họ giống như những quan sát nguyên bản. Khi trả lời câu hỏi, các đối tượng không thể nói dối, nhưng họ có thể giải thích nhầm một số điều được thấy trong vô thức, cũng như chúng ta vẫn làm trong trạng thái tỉnh táo. Trong thôi miên, con người khó có thể kể lại bất cứ điều gì mà họ không tin.
Một số người phê phán thôi miên tin rằng, một đối tượng ở trạng thái bị thôi miên sẽ tự tạo ra những ký ức và làm sai lệch những câu trả lời của họ để chọn lựa bất kỳ một khuôn khổ lý thuyết nào mà người thôi miên gợi ý. Tôi nhận thấy sự tổng quát hóa này là sai lầm. Trong công việc của mình, tôi đề xử sự với mỗi trường hợp như tôi nghe được thông tin lần đầu tiên. Nếu đối tượng bằng cách nào đó vượt qua được phương thức thôi miên và tự xây dựng những tưởng tượng tự do về thế giới linh hồn, hoặc gắn kết trước với những ý tưởng có sẵn về cuộc đời sau cái chết của họ thì những câu trả lời sẽ sớm trở nên không phù hợp với những câu chuyện của các trường hợp khác. Tôi đã biết được giá trị của đối chất từ rất sớm trong công việc của mình và tôi không tìm thấy bằng chứng nào về việc bất cứ ai giả dối những kinh nghiệm tinh thần của mình để làm vừa lòng tôi. Thực tế là các đối tượng bị thôi miên không ngần ngại sửa lại những khi tôi giải thích sai các phát biểu của họ.
Khi những ghi chép về các trường hợp của tôi nhiều thêm, bằng phương pháp thử và sai, tôi tìm ra cách sắp xếp những câu hỏi về thế giới linh hồn theo thứ tự hợp lý hơn. Các đối tượng ở trạng thái siêu ý thức không thực sự bị thúc đẩy chia sẻ những thông tin về toàn bộ kế hoạch cuộc đời linh hồn trong thế giới linh hồn. Mỗi người phải có một bộ chìa khóa thích hợp cho những cánh cửa đặc biệt. Cuối cùng tôi đã có thể hoàn thiện một phương pháp đáng tin cậy để tiếp cận với ký ức ở những phần khác nhau của thế giới linh hồn bằng cách biết rõ phải mở cánh cửa nào ở thời điểm thích hợp trong liệu trình.
Khi tôi tự tin hơn với mỗi liệu trình, có thêm nhiều người cảm thấy tôi thoải mái với cuộc đời sau cái chết và cảm thấy có thể nói với tôi về điều đó. Các bệnh nhân trong những trường hợp của tôi có một số người rất sùng tín, trong khi những người khác hoàn toàn không có một niềm tin tâm linh cụ thể nào. Đa số họ là những người ở giữa, với một hành trang phức tạp của những triết lý cá nhân về cuộc sống. Điều đáng ngạc nhiên tôi phát hiện ra trong quá trình nghiên cứu là một khi các đối tượng được hoàn nguyên về trạng thái linh hồn của họ, họ thể hiện một sự thống nhất đáng ngạc nhiên khi trả lời những câu hỏi về thế giới linh hồn. Họ thậm chí sử dụng cùng những từ ngữ và các miêu tả hình ảnh trong ngôn ngữ thông thường khi nói về các cuộc đời linh hồn của họ.
Cuối cùng tôi cần nói rằng những gì bạn sắp đọc có thể là một cú sốc cho quan niệm của bạn về cái chết. Những nội dung được trình bày ở đây có thể đi ngược lại những niềm tin triết học và tôn giáo của bạn. Có những độc giả sẽ tìm thấy sự củng cố cho những quan niệm hiện hữu của họ. Đối với những người khác, các thông tin được đưa ra trong những trường hợp điển hình này có vẻ như những câu chuyện hư cấu có tính chủ quan, gợi nhớ đến những câu chuyện khoa học viễn tưởng. Dù niềm tin của bạn ra sao tôi cũng hy vọng bạn sẽ suy nghĩ về hàm ý dành cho nhân loại nếu những gì các đối tượng của tôi nói về cuộc sống sau cái chết là chính xác.
***
VÀI GHI CHÚ NHỎ CỦA NGƯỜI DỊCH:
1. Cuốn sách này đưa ra một số chi tiết, những điều "khác lạ," khó tin, về thế giới linh hồn. Do vậy, chúng ta không cần phải "tin" tất cả những điều đó.
2. Chú ý: cuốn sách này có nhiều cái rất khác với những cuốn sách về "kinh nghiệm cận tử." Chúng ta cần biết: những người chết đi, rồi sống lại, là những người chưa "chết hẳn," do vậy, [thường khi] họ chưa thực sự đi sâu vào thế giới linh hồn. Trái lại, cuốn sách này thực sự trình bày cặn kẽ về thế giới linh hồn, được những thân chủ [trong cơn thôi miên] tường thuật lại những kiếp quá khứ của họ, với tư cách là những linh hồn, khi cơ thể vật lý của họ đã "chết hẳn."
3. Riêng với bản thân người dịch, thì đây là một cuốn sách rất bổ ích. Nó đã làm thay đổi quan niệm của tôi về thế giới linh hồn. Dĩ nhiên, có một số người không phải là đối tượng của cuốn sách này. Mọi sự, tùy thuộc vào "duyên" !
4. Tất cả những chú thích [notes] trong văn bản, đều là của tác giả. Trái lại, tất cả những cước chú [footnote] - ở cuối trang - trong bản dịch này, đều là của người dịch. Chúng tôi có chua thêm một số từ tiếng Anh, để bạn đọc có thể tham khảo. Hầu hết những chỗ in đậm trong bản dịch, là của người dịch.
5. Trong quá trình dịch, tôi đã cố bám sát nguyên tác tối đa, như có thể. Tuy nhiên, có một số chỗ, chúng tôi chỉ dịch thoát ý, cho câu văn được rõ nghĩa hơn.
6. Dù đã cố gắng nhiều, nhưng chắc chắn không tránh khỏi những sai sót. Rất mong bạn đọc góp ý, để bản dịch được hoàn thiện hơn. Xin chân thành cám ơn.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản
Thông báo: Do số lượng bot download quá nhiều, gây ảnh hưởng tới người dùng thực sự cần sách. BQT quyết định yêu cầu đăng nhập để tải sách về.
Các bạn chỉ cần đăng nhập là tải được sách với tốc độ cao.