Từ Biệt Berlin


263
Tham khảo
19
Tải về
Ủng hộ chúng tôi
https://timtruyen.vn/go/4009688921

Từ Biệt Berlin

Nước Đức trước thềm Thế chiến Hai, qua con mắt tinh tường và giọng kể điềm nhiên của Christopher Isherwood, hiện lên thật sống động với những quán bar đêm, với nhạc jazz, chất cồn và tình ái. Nhưng chua chát thay, ẩn sau đời sống phóng túng thơ mộng ấy là dự cảm chẳng lành về cái kết kề cận, là mầm mống suy đồi và bạo lực chực chờ bùng nổ. Chân thực khắc họa sự chuyển mình khốc liệt của cả một dân tộc, Từ Biệt Berlin đúng như tên gọi của nó, là lời giã từ cay đắng, là khúc bi ca trầm mặc cho sự điêu tàn của cả một thời đại hào hoa.

“Bức phác họa xuất sắc về một xã hội trên đà thối rữa.” - George Orwell

“Đọc tiểu thuyết này giống như nghe trộm chuyện phiếm trong một quán bar đông người trong khi lịch sử sốt ruột đập ầm ầm ngoài cửa sổ.” - The Guardian
***
Từ biệt Berlin: Sự mất mát bị lãng quên
26/04/2020 - Hiền Trang

“Tôi vẫn luôn giữ một chiếc rương ở Berlin”, nàng ca sĩ Marlene Dietrich từng viết trong một nhạc khúc nổi tiếng của mình. Sống cùng thời với Dietrich, văn sĩ người Mỹ gốc Anh Christopher Isherwood – người mà Somerset Maugham từng nhận xét với Virginia Woolf rằng: “Chàng trai trẻ này sẽ nắm giữ tương lai của tiểu thuyết tiếng Anh trong tay mình” – chuyển đến Berlin vào thập niên 30 theo tiếng gọi của tự do, và kể từ những áng văn của ông về thành phố, một lớp văn sĩ viết về Berlin ra đời.

Kế hoạch ban đầu của Isherwood là viết một cuốn tiểu thuyết công phu nhiều tập về thủ đô nước Đức. Cuốn tiểu thuyết này thậm chí đã được đặt trước một cái tên: The lost – tạm dịch là Điều đã mất, như ám chỉ một nước Đức đã mất, một nước Đức  bị xa lánh và cô lập bởi phần còn lại của Âu châu đầu thế kỷ 20, thế nhưng như trong cuốn tự truyện về sau này, Isherwood thú nhận rằng “Tôi bí quá. Tôi không thể nào viết xong The lost.” Và cuối cùng, cuốn đại tiểu thuyết ban đầu được thu gọn lại thành những mẩu chuyện rời rạc, bao gồm một cuốn tiểu thuyết nhỏ mang tên Mr Norris changes trains cùng sáu mẩu truyện vừa tập hợp lại thành Goodbye to Berlin (Từ biệt Berlin theo bản dịch tiếng Việt của Duy Đoàn, do Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn phát hành).

Và có đôi khi, những chân dung loang lổ, những hình thù lốm đốm lởn vởn và những chuyện phiếm lan man dang dở lại nói nhiều hơn là cả một toàn tập hay một biên niên sử nào. Bởi chúng không có hoài bão bảo tồn quá khứ, tái hiện lịch sử, cũng không có ý định trở thành một bản điếu văn cho những hào hoa đã thất lạc, chúng chỉ tồn tại để chứng minh rằng, tất cả những điều đó đã từng ở đây, song đã ở lại mãi mãi cùng những năm tháng ấy.

“Tôi là cái máy ảnh với màn trập mở, hết sức thụ động, ghi hình, chứ không suy tư. Ghi hình người đàn ông đang cạo râu ở cửa sổ đối diện và người đàn bà vận kimono đang gội đầu. Một ngày nọ, toàn bộ cảnh này sẽ phải được rửa, được in ra cẩn thận, được treo lên.”, Isherwood viết trong những đoạn mở đầu.

Hitler không phải kẻ duy nhất đánh cắp mất Berlin và biến Berlin thành một nơi quái gở. Tự thân những con người từng trú chân ở đó, khi họ ra đi, họ cũng đã mang giữ theo mình một phần của Berlin, một phần không bao giờ còn quay trở lại.

Đọc Từ biệt Berlin quả giống như lật một cuốn album ố vàng mà trong đó mỗi tấm ảnh là một khoảnh khắc đóng băng, lắng cặn và được phong kín bởi thời gian, là chuỗi những lần chớp sáng đứt đoạn và không liền mạch. Sáu câu truyện nối lỏng lẻo với nhau bằng một đường dây kéo dài là giọng kể của nhân vật “tôi” – một chàng trai nuôi mộng trở thành tiểu thuyết gia mang tên Christopher Isherwood – và mỗi câu truyện là một đoản khúc xoay quanh những con người đột nhập vào cuộc sống của anh, hay đúng hơn là anh đã đột nhập vào cuộc sống của họ. Nhưng chớ nhầm! Nhân vật “tôi” dù là Christopher Isherwood đó, nhưng đồng thời cũng lại chẳng phải là tác giả Christopher Isherwood, dù rất dễ dàng để ta chập hai thực thể đó vào làm một.

“Christopher Isherwood chỉ là một con rối tiện lợi của nghệ sĩ nói tiếng bụng”, tác giả giải thích về cái tên trùng lặp. Và chính ở đây, từ sự nhập nhằng giữa danh tính ngoài đời và danh tính trên trang viết, Isherwood đã làm một cuộc khai sinh ra thứ tiểu thuyết phi hư cấu.

Đa số độc giả văn chương vẫn lấy tiểu thuyết In cold blood (theo bản dịch tiếng Việt là Máu lạnh) của Truman Capote xoay quanh vụ giết người ở vùng nông thôn Kansas làm cột mốc ra đời của faction, dòng văn học phi hư cấu. Thế nhưng, từ trước khi Capote gần ba thập kỷ, Christopher Isherwood đã có những bước đi thử nghiệm thể loại này với Từ biệt Berlin. Capote có được gợi ý từ Isherwood hay không? Thật khó mà nói được. Nhưng hai người đúng là có quen nhau, thậm chí là những người bạn vong niên thân thiết, chơi chung một hội nhóm gồm những văn tài, cùng từng tán tỉnh một chàng điếm, cùng trao đổi qua lại nhiều thư từ, và nàng “Geisha nước Mỹ” Holly Golightly trong tiểu thuyết ngắn Bữa sáng ở Tiffany của Capote, nhân vật đã được bất tử hóa qua sự nhập vai của huyền thoại Audrey Hepburn, được lấy cảm hứng từ nàng diễn viên hạng xoàng phóng túng mà ngây thơ, yêu kiều mà đồng bóng Sally Bowles trong Từ biệt Berlin.

Lách mình qua những ngõ ngách, náu ẩn nơi những quán rượu, những xóm ổ chuột, những nhà trọ và nhà thương khắp Berlin, Christopher Isherwood ký họa lại buổi tà dương của một thời đại trước sự trỗi dậy của Hitler và quân Phát xít mà không đem theo một chút phán xét, chỉ gợn lên những niềm luyến nhớ âm ỉ về những con người và những cuộc ly biệt liên miên.

Không phải lúc nào ta cũng bắt gắp một nước Đức với nỗi buồn – nhưng là nỗi buồn khinh khoái và phớt tỉnh, một nước Đức không cừu hận, không hổ thẹn, không cắn rứt, không tội lỗi hay gồng gánh lương tâm, như ở đây. Hitler khi ấy vẫn chỉ là một ẩn số, và những dự cảm chẳng lành về cơn thủy triều tàn khốc đang dâng lên vẫn còn nằm mấp mé ngoài xa, đang trực sầm sập ập vào nhưng dẫu sao, hẵng còn đủ thời giờ để người ta làm mộ bia cho những con dơi, bầy chim và lũ thỏ, vẫn còn kịp để một người cố gắng cứu vãn mình khỏi niềm cô đơn cố hữu, để một cô diễn viên cho phép mình dây dưa với một tay lừa đảo non choẹt bị tâm thần, để một cậu choai choai đêm đêm đi khiêu vũ và đong đưa kiếm tiền mua áo khoác, để những đám người vầy mình trong những cuộc vui, những cuộc say, những cuộc ghen tuông, những cuộc khẩu chiến vô ý nghĩa.

Nhân vật Isherwood ôn lại quá khứ không phải trong tư thế một kẻ cuồng tín muốn được mục ruỗng và tan rã cùng quá khứ (kiểu anh chàng biên kịch Gil Pender trong Midnight in Paris). Quá khứ không hẳn là chốn tươi đẹp nhất, vẫn có đó những giây lát mà anh muốn nhoài mình khỏi bối cảnh, những thoáng chốc trong buổi chạng vạng anh cảm thấy như sắp bị vồ lấy bởi những bóng người vô hại nhất, những ứ đọng chật chội khiến anh muốn tháo chạy thật nhanh. Và những con người rẽ ngang qua anh, họ rời Berlin mà không mơ ngày trở lại, họ đánh mất Berlin mà không đoái hoài đến sự mất mát, không vận một chút lực nào để trì níu, hoặc là những gì họ để mất ẩn hình và phi trọng lượng, khiến họ chuội đi vào những hiện tại tiếp nối mà không có lấy một ma sát nào để giữ họ chậm bước ngoái đầu nhìn lại. Berlin, sau rồi, chỉ là một nhà ga trung chuyển nơi mỗi lần gặp gỡ cũng là một lần rũ bỏ.

Lách mình qua những ngõ ngách, náu ẩn nơi những quán rượu, những xóm ổ chuột, những nhà trọ và nhà thương khắp Berlin, Christopher Isherwood ký họa lại buổi tà dương của một thời đại trước sự trỗi dậy của Hitler và quân Phát xít mà không đem theo một chút phán xét, chỉ gợn lên những niềm luyến nhớ âm ỉ về những con người và những cuộc ly biệt liên miên.

Ở phần cuối câu chuyện về Sally Bowles, cô diễn viên sau khi đáp xuống Rome đã gửi tấm bưu thiệp và hứa hẹn sẽ viết thư cho Isherwood vào một hay hai ngày nữa. Nhưng ngày đó không bao giờ đến. Không một lá thư nào theo sau, cho đến khi câu chuyện được ghi lại, đã là sáu năm hoàn toàn bặt vô âm tín. Liên lạc là mối nối kém bền chắc nhất trên đời.

Đến lượt mình, Christopher Isherwood cũng nói lời chia biệt Berlin. Thời điểm đó, sĩ khí của quân Quốc xã đã lên cao và dù Mặt trời vẫn rạng rỡ như hôm qua và những thị dân vẫn chờ ở ga Nollendorfplatz như lẽ thường, thành phố đã thuộc về Hitler và không bao giờ còn là nó như đã từng được nữa. Nhưng Hitler không phải kẻ duy nhất đánh cắp mất Berlin và biến Berlin thành một nơi quái gở. Tự thân những con người từng trú chân ở đó, khi họ ra đi, họ cũng đã mang giữ theo mình một phần của Berlin, một phần không bao giờ còn quay trở lại.

Muốn hay không, Berlin thuở đó đã suy tàn. Cuộc hội đã kết thúc. Những ký ức, nếu vẫn cố thủ hay rơi rớt, chỉ còn được đóng gói trong “một chiếc rương” nương náu ở Berlin.
***
Bản trần thuật đầy mục ruỗng của Berlin trước thế chiến 2
Thứ hai, 6/5/2019 

“Bóng ma” chủ nghĩa quốc xã lan rộng, những giá trị bị đảo lộn, những mối thân tình bị bỏ mặc hoặc lãng quên, rời bỏ Berlin là lối thoát duy nhất.

Từ biệt Berlin của Christopher Isherwood nằm đâu đó giữa một cuốn nhật ký chân thực và một tiểu thuyết văn chương hư cấu, hé mở và phơi lộ một xã hội từng hào hoa nay đã biến mất.

Cái tên ban đầu mà Isherwood lựa chọn cho cuốn sách không phải là Từ biệt Berlin (Goodbye to Berlin) mà là The Lost, để chỉ cái đã chết, đã mất đi, đã vĩnh viễn không còn nữa. Cái tên nghe có vẻ “khoa trương” (lời của tác giả) và chung chung đó cuối cùng đã được đổi lại thành Từ biệt Berlin; nó gắn với một địa danh (thậm chí là một mốc thời gian nhất định): Berlin - thủ đô nước Đức, và nó còn gắn với hành động cụ thể: một lời giã biệt.

Bản trần thuật đầy thanh âm mục ruỗng

Từ biệt Berlin bao gồm sáu truyện ngắn nối kế nhau ơ hờ, thoát thai từ những trang nhật ký cùng những bản phác thảo của Christopher Isherwood. Ở đó, tác giả tự nhận mình là "cái máy ảnh với màn trập mở, hết sức thụ động, ghi hình, chứ không suy tư"; và “chỉ là một con rối tiện lợi của nghệ sĩ nói tiếng bụng, chứ không phải một gì khác”.

Tuy nhiên, sáu truyện ngắn này lại kết nối một cách liền mạch, mỗi truyện là một mảnh ghép tạo nên một chương rất quan trọng trong cuốn tiểu thuyết đầy suy tư, trước một thực tại đang dần tan biến không gì có thể vãn hồi.

Từ biệt Berlin mở ra bằng “một bản nhật ký”, với những gì vui tươi và sinh động nhất của những con người đủ mọi quốc tịch, mọi ngành nghề với thiên hướng, sở thích, lối sống đa dạng tụ họp lại ở Berlin. Isherwood vào vai chính mình, gặp gỡ và kết thân với những con người xa lạ đó rồi trần thuật lại câu chuyện, với vai trò là chứng nhân.

Chương đầu tiên là một thế giới vẫn còn tươi sáng, ở đó có bà chủ nhà trọ hiểu chuyện đời và dễ mến, có nhân viên quán bar tính tình dễ chịu; có giọng ca nhạc jazz xuất sắc và có cô gái điếm nhưng vẫn sống hết sức tử tế.

Tuy nhiên, từ chương thứ 2 Sally Bowles trở về cuối cuốn sách, cái đẹp dần biến mất, màu sắc tươi sáng dần thay thế cho những thực tế phũ phàng, những nhân vật tốt đẹp dần biến chất, những nhân vật mới có nét bí ẩn, u uất riêng.

Tiểu thuyết gia là một người kể chuyện trung thực, không đóng vai quan toà - phán xét hay bào chữa cho những nhân vật đại diện trong truyện. Anh chỉ đơn giản là kể lại, để từ đó dần lộ ra những thứ vốn phải hé lộ. Và cuối cùng cái gì đến cũng phải đến, “bóng ma” chủ nghĩa quốc xã lan rộng, những giá trị bị đảo lộn, những mối thân tình bị bỏ mặc hoặc lãng quên, rời bỏ Berlin là lối thoát duy nhất.

Từ biệt Berlin vốn chân thực và hấp dẫn đến vậy là bởi vì Christopher Isherwood từng có 4 năm sống tại Berlin, Đức (1930 - 1933). Đó chính là chất liệu để anh tạo nên một bản trần thuật đầy thanh âm mục ruỗng, dù đã cố tình che đậy bằng giọng văn trung tính, lạnh nhạt và có phần dửng dưng trong suốt cuốn tiểu thuyết.

Chủ nghĩa quốc xã và dấu ấn tha nhân
Điều khiến người đọc say mê với Từ biệt Berlin không chỉ nằm ở bản thân câu chuyện hấp dẫn, văn phong điềm nhiên có phần lạnh lùng đầy chất anh hùng mà những “mã” nhận biết dẫn dụ: “Chủ nghĩa quốc xã” và “dấu ấn tha nhân”.

Dòng tiểu thuyết về chủ nghĩa quốc xã vốn luôn khiến người đọc tò mò để rồi đau đớn trước thực cảnh bạo tàn và thống khổ. Từ biệt Berlin mang đến cho người xem một tầm nhìn trước cảnh thống khổ đó nhưng không kém phần đau đớn.

Hai truyện ngắn và cũng là hai chương sách Nhà Nowak và Nhà Landauer đã xuất sắc lột tả được sự khốn cùng của những con người sống tại Berlin thời đó. Nếu như chương Nhà Nowak phơi bày sự khốn cùng của những con người cùng đáy xã hội, sống vật vờ, những giá trị đạo đức bị đảo lộn, mái ấm gia đình trở thành nơi bề bộn và tù ngục; thì chương Nhà Landauer là mở đầu cho chuỗi những ngày đau đớn của người Do thái, không chỉ tại Berlin, nước Đức mà còn trên toàn thể châu Âu sau này.

Tình dục cũng là một trong những mối tò mò và quan tâm của độc giả về Isherwood nói chung, cuốn tiểu thuyết nói riêng. Christopher Isherwood thừa nhận một cách thẳng thắn là người đồng tính, nhưng đó là chuyện của sau này. Chính vì thế, mối tình dị tính tưởng tượng giữa “Isywoo” (cách nhân vật chủ nhà trọ Schroeder gọi Isherwood) và nhân vật Sally khiến không ít độc giả bất ngờ.

Tuy nhiên, dù cố gắng thế nào, Christopher Isherwood vẫn để lộ “sơ hở” với thiên hướng tính dục của mình trong Từ biệt Berlin. Đó không chỉ là cách trò chuyện, sự gắn kết, mối thân tình của Isherwood đối với những nhân vật nam trong truyện thường mang những mối gắn kết lạ kỳ với giọng văn cảm mến và nhẹ nhõm hơn, mà còn ở mối quan hệ hiển rõ giữa Otto và Peter trong sách.

Trên tất cả, Từ biệt Berlin còn mang dấu ấn dòng văn chương của những nhà văn là tha nhân. Dù hoà hợp với Berlin, dù kết giao thân thích với đủ hạng người tại đây, nhân vật "tôi" (chính là Isherwood) vẫn luôn cảm thấy xa lạ, khó hiểu, mâu thuẫn. Những dịch chuyển của nhân vật "tôi" dường như khá liên tục, và dường như không thuộc về vùng đất này.

Christiopher Isherwood từng chia sẻ: “Với một nhà văn như tôi, vấn đề chưa bao giờ nằm ở việc ‘đồng tính’, mà là vấn đề của việc là một tha nhân, vấn đề nhìn nhận mọi thứ từ góc độ xiên lệch. Nếu đồng tính trở thành một điều bình thường thì nó không còn là đề tài gây hứng thú cho tôi".

Christopher Isherwood là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch nổi tiểng. Ông cũng được biết đến là một người đồng tính nam với nhiều tác phẩm được viết trên chủ đề này. Isherwood sinh ra tại miền bắc nước Anh vào năm 1904 và trở thành công dân Mỹ kể từ năm 1946. Ông qua đời vào năm 1986 tại nhà của mình tại ở Santa Monica, California.

Tạm biệt Berlin (1939) cùng Mr. Morris Changes Trains nằm trong bộ tiểu thuyết chung có tên The Berlin Stories ra mắt lần đầu vào năm 1945, lọt vào top 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thể kỷ 20 do Times bình chọn. Từ Biệt Berlin được chuyển thể thành vở kịch I Am A Camera bởi đạo diễn John Van Druten. 15 năm sau vở kịch được chuyển thể thành nhạc kịch nổi tiếng Cabaret.

Trước khi Từ biệt Berlin xuất hiện tại Việt Nam, Christopher Isherwood ít nhiều được biết đến qua tiểu thuyết về đề tài đồng tính có tên A Single Man với 2 bản dịch Người cô độc (Youth Book, 2012) và Một con người (Tao Đàn, 2018). Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Tom Ford từng chuyển thể cuốn sách này thành bộ phim điện ảnh cùng tên vào năm 2009.
Ngôn ngữ
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giảNhà xuất bản
Mượn Ebook Tốc độ cao - Không quảng cáo
Trang chủ