Nước ta có một nền văn hóa lịch sử lâu đời. Kể từ khi lớp người đầu tiên đến khai phá mãnh đất hình chữ S này đến nay cũng đã mấy chục vạn năm. Còn nếu tính từ khi bước vào quá trình xây dựng nhà nước đầu tiên của dân tộc đến nay thì cũng đã qua mấy ngàn năm lịch sử. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cha anh tổ tiện chúng ta đã để lại nhiều di tích di vật văn hóa lịch sử quý giá ở trên mặt cũng như trong lòng đất.
Ngành khảo cổ học bằng phương pháp của riêng mình đã khôi phục, làm sống lại cái quá khứ hào hùng đó của dân tộc.
Kể từ cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên trên đất nước ta ở hang Thẩm Khoách, mà người Pháp gọi là Phố Bình Gia, Lạng Sơn năm 1906, đến nay vừa đúng 100 năm. Trong nửa thế kỷ đầu, công cuộc khảo cổ trên đất nước ta do người phương Tây tổ chức và điều hành. Ngành khảo cổ học non trẻ chúng ta ra đời trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuy gặp muôn vàn khó khăn, nhưng được sự động viên của lòng tự hào dân tộc, đã phát hiện hàng ngàn di tích thuộc nhiều niên đại khác nhau trên mọi miền tổ quốc, ở cả miền bắc lẫn miền nam, ở cả miền núi, trung du lẫn miền biển. Trong đó, không dưới một trăm di tích đã được khai quật, thu lượm hàng nhiều vạn hiện vật văn hóa lịch sử quý hiếm.
Với khối tư liệu khảo cổ đồ sộ quý hiếm đó, đã đến lúc bên cạnh những công trình có tính chất chuyên đề, chúng ta phải có những công trình có tính chất tổng kết, hệ thống, đặng góp phần vào công việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nước nhà.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Viện, Viên Khảo cổ học lần lượt cho xuất bản bộ Khảo cổ học Việt Nam 3 tập. Đây là hộ sách khảo cổ học phong phú và đầy đủ nhất hiện nay. Nhưng phải nói rằng, trong tình hình hiện nay, không phải ai cũng có thể có được và sử dụng được bộ sách đó. Và ở nước nào cũng vậy, tuy cùng một loại sách, nhưng do yêu cầu khác nhau nên có nhiều loại quy mô to nhỏ, dày mỏng, phức tạp đơn giản khác nhau.
Trước đây. do yêu cầu công tác tôi đã viết một cuốn sách nhỏ giới thiệu thành tựu 35 năm khảo cổ học Việt Nam (1945 - 1980). Tuy không có ảnh và bản vẽ, nhưng được nhiều đồng nghiệp cho là một quyển sách có ích.
Nay điều kiện thời gian cho phép và cũng muốn dùng sức lực và hiểu biết của mình trong thời gian còn lại làm được một cái gì có ích cho một ngành khoa học mà mình đã cống hiến cả sức lực và tình cảm trên 40 năm qua, nếu không muốn nói là cả cuộc đời. Cũng có đồng nghiệp gợi ý tôi nên ra một tuyển tập bao gồm các công trình đã công bố. Tôi nghĩ, đúng là một công trình như vậy rất tiện cho việc tra cứu tìm tư liệu, song không ít công trình từ ba bốn mươi năm trước đến nay đã bị lạc hậu. in ra liệu có ích gì. Do vậy, được sự động viên khích lệ của nhiều đồng nghiệp, tôi mạnh dạn viết công trình "Các nền văn hóa cổ Việt Nam" bao gồm những hiểu biết của chúng ta cho đến nay về các nền văn hóa khảo cổ trên đất nước từ khi con người có mặt trên đất nước ta đến thời Nguyễn.
Trước đây chúng ta đã có Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam (1961) và Cơ sở khảo cổ học (1975) là giáo trình giảng dạy ở bậc đại học của các giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những công trình này ra đời ít nhất cũng đã trên 30 năm, nhiều tư liệu, nhiều nhận định cần được bổ sung. Công trình này ra đời nhằm mục đích đó.
Chỉ sợ lực bất tòng tâm, chứ lòng tôi mong muốn công trình của mình phục vụ rộng rãi cho những người làm công tác khảo cổ, bảo tàng, sưu tầm nghiên cứu cổ vật ở trung ương cũng như các địa phương, các sinh viên khoa lịch sử, các cán bộ văn hóa thông tin ở khắp mọi miền đất nước.
Trong công trình này, về tư liệu cũng như một số nhân định không hoàn toàn giống các công trình của các cá nhân cũng như lập thể đã công bố, rất mong được độc giả thông cảm. Tôi muốn viết ra những suy nghĩ của riêng mình đã nung nấu trong nhiều năm, những mong đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp khảo cổ nước nhà, chứ không có ý phê bình chê trách một ai. Trong khảo cổ cũng như nhiều ngành khoa học khác, việc có những nhận định khác nhau là điều bình thường. nếu không nói là nên khuyến khích.
Là một công trình khảo cổ có tính tổng hợp xuyên suốt tiến trình lịch sử Việt Nam, nên cần một số lượng bản vẽ và ảnh rất lớn. Trong hoàn cảnh của tôi hiện nay, về thời gian cũng như công sức không cho phép tiếp cận tới tất cả hiện vật phân tán khắp mọi miền đất nước. Trong lúc đó, công trình Khảo cổ học Việt Nam trong phần phụ lục đã lựa chọn cung cấp cho chúng ta những bản vẽ khá tiêu biểu cho các nền văn hóa. Với sự cố gắng hết sức của một cá nhân như tôi khó lòng có được những bản vẽ tốt hơn, nên mong độc giã thông cảm cho tôi được sử dụng số lớn các bản vẽ trong công trình Khảo cổ học Việt Nam.
Là một công trình tổng hợp đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc của nhiều bộ môn, trong lúc đó không phải lĩnh vực nào tôi cũng có thể đáp ứng được, nên không khỏi có những thiếu sót mong được bạn đọc xa gần chỉ giáo.
Cuốn sách này ra đời được một phần không nhỏ là ở sự động viên khích lệ của nhiều đồng nghiệp trong ngoài Viện Khảo cổ học Việt Nam. Nhãn đây xin gửi tới các vị lời cảm ơn chân thành nhất của tôi.