GIỚI THIỆU
PHẦN 01
LÝ THUYẾT TIỀN TỆ
PHẦN 02
KIẾM TIỀN NHIỀU HƠN
04 Trở nên giàu có
PHẦN 03
CHI TIÊU
PHẦN 04
VAY MƯỢN
PHẦN 05
TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ
PHẦN 06
KẾ HOẠCH
Đôi ba người dường như thông minh trong chuyện tiền nong, trong khi số khác lại để tiền tuột khỏi ngay khi vừa kiếm được. Tôi tin rằng có những chiến lược và chiến thuật không chỉ giúp chúng ta sử dụng tiền thông minh hơn mà còn cho phép ta xây dựng một tương lai đảm bảo hơn cho chính mình. Những chiến lược và chiến thuật ấy phát huy tác dụng trong mọi hoàn cảnh và trong suốt cuộc đời, chúng có thể mang đến lợi ích thực cho bất kì ai cố gắng thấu hiểu chúng.
Để trở nên thông minh trong chuyện tiền nong không khó, bạn chỉ cần xem xét kĩ lưỡng những vấn đề tài chính của mình và đưa ra những quyết định có trách nhiệm. Thông minh ở đây không có nghĩa là có thật nhiều tiền – nó chỉ đơn giản là việc bạn tối ưu hóa những gì bạn kiếm được. Dù thu nhập của bạn đến từ phúc lợi nhà nước hay một quỹ tín thác, tôi tin tưởng chắc chắn rằng vấn đề không phải là bạn có bao nhiêu tiền mà là bạn có thể làm gì để số tiền ấy tạo nên khác biệt.
Ở Anh, chúng tôi nói về tiền theo một cách kì cục. Chúng tôi ba hoa về việc chi nhiều chi ít ra sao để mua một chiếc xe nhưng chẳng bao giờ nói về việc mình kiếm được bao nhiêu. Cứ như thể chuyện đó là một chủ đề cấm kỵ – thậm chí một số cặp vợ chồng còn không bàn bạc về chuyện lương lậu và thói quen chi tiêu (có lẽ đây là lí do vì sao những vấn đề về tiền bạc được ghi nhận là nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến ly hôn sau ngoại tình). Những chuyên gia lên truyền hình dạy cách tiết kiệm 30 bảng tiền gas hay phí bảo hiểm nhà cửa nhưng không chỉ ta cách tiết kiệm cho tương lai. Như một câu châm ngôn xưa đã nói, chúng ta biết giá cả của mọi thứ nhưng lại chẳng biết giá trị của thứ gì.
Lảng tránh chuyện tiền bạc chẳng đem lại lợi ích gì. Tôi nhớ đã từng nhận tiền công hàng tuần – bằng tiền mặt – trong một chiếc phong bì nhỏ màu nâu, trên đó ghi chi tiết những khoản khấu trừ. Tôi có thể chạm vào nó, cảm nhận nó và đếm nó, nhưng giờ đây thu nhập bỏ qua chúng ta mà chạy thẳng vào tài khoản ngân hàng. Chúng ta không chi tiêu bằng tiền mặt nữa nên chẳng còn nhìn thấy túi tiền lương hao dần đi, thế nên việc đếm xem mình còn lại bao nhiêu trở nên khó khăn hơn.
Tôi tin rằng có một số kỹ năng cơ bản mà ai trong chúng ta cũng có thể học được để có mối quan hệ tốt hơn với tiền bạc. Giỏi trong chuyện tiền bạc không quá khó, dù cho đó là một phần trong cuộc sống mà chúng ta thường chừa lại cho “các chuyên gia” bởi chúng có vẻ quá phức tạp. Ngày nay, trẻ em được dạy dỗ một chút về tiền nong ở trường học, nhưng hầu hết chúng ta chưa từng được giáo dục về cách quan tâm đến tiền bạc. Thế nên, chẳng có gì lạ khi rất nhiều người có thói quen xấu khi sử dụng tiền hoặc vướng vào vòng xoáy nợ nần. Và ở đây, tôi không chỉ nói đến những người nghèo rớt mồng tơi – một trong những bài học lớn nhất rút ra được từ cuộc khủng hoảng tín dụng đó là ngay đến những người làm việc trong các tổ chức tài chính cũng không hiểu những quy tắc cơ bản về việc quản lý tiền một cách thông minh. Nếu có GCSE (General Certificates of Secondary Education) trong tiền, có lẽ tất cả chúng ta đã làm việc này tốt hơn.
Tôi muốn giải thích cách đồng tiền hoạt động: khi biết đồng tiền bị chi phối bởi điều gì, bạn có thể đưa ra những quyết định thông minh hơn về việc làm gì với nó. Khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 tiếp tục ảnh hưởng lên toàn bộ đời sống của ta, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không hiểu tiền, thì tiền sẽ kiểm soát ta chứ không phải ngược lại.
Khi tôi bắt tay vào viết cuốn sách này, mọi người nói với tôi rằng việc này quả là một cơn ác mộng bởi tôi hẳn phải thay đổi lời khuyên của mình tùy theo dòng tiêu đề có tính thảm họa mới nhất. Nếu tôi viết cuốn sách kiểu này vào giữa những năm 90 khi người ta dễ dàng tìm được việc làm hơn, chứng khoán gần như luôn tăng và giá trị tài sản tăng vọt thì đã đơn giản hơn nhiều, nhưng viết cuốn sách này trong thời điểm hỗn loạn giúp tôi tập trung vào những gì thực sự quan trọng trong việc quản lý tiền bạc. Trong những giai đoạn hỗn loạn, ta không thể nói “lấy ra một khoản lương hưu”, “tìm công việc lương cao hơn” hay “hãy mua bất động sản để cho thuê” bởi rõ ràng là những hoạt động tài chính mang tính ổn định trong hai thập kỉ trước không còn ổn định nữa.
Thế nên, điều tôi cố gắng thực hiện trong cuốn sách này là quay lại với những thành tố cơ bản của tiền, trình bày những nguyên tắc cốt lõi chi phối những biến động của tiền, từ đó bạn có thể đưa ra những quyết định tốt nhất về tình trạng tài chính của mình. Tôi sẽ không bảo bạn nên hay không nên rút ra một khoản lương hưu hay sử dụng hết hạn mức tài khoản tiết kiệm cá nhân, tôi sẽ cung cấp thông tin để từ đó bạn có thể quyết định xem việc đó có tốt cho bạn hay không. Bằng cách đó, cuốn sách này hẳn sẽ trường tồn với thời gian – chúng là những quy luật phổ quát và lời khuyên trong đây luôn đúng dù bạn đang trong cơn suy thoái hay thời kì thịnh vượng. Tôi chẳng có động cơ riêng nào, chẳng có sản phẩm hay triết lí gì để quảng bá. Tôi không phiền chuyện bạn có làm theo lời khuyên của tôi hay không, tôi chỉ quan tâm xem bạn đã có đủ thông tin để biết những lời khuyên nào là hợp với mình, những lời khuyên nào thì không.
Nếu cuộc khủng hoảng tài chính gần đây đã dạy chúng ta điều gì đó thì hẳn đó là việc chúng ta không thể sống quá khả năng tài chính của mình lâu dài. Sai lầm của các ngân hàng và các cá nhân đi vay nhiều hơn mức họ biết mình có thể chi trả đã cho thấy tất cả chúng ta cần có trách nhiệm. Trong cuộc sống ở thế kỉ XXI này, tiền quá quan trọng, quá thiết yếu đến mức không thể cứ mặc các chuyên gia giải quyết. Chúng ta cần có trách nhiệm với những lựa chọn tài chính của mình và tôi hy vọng cuốn sách sẽ tiếp thêm cho bạn sự tự tin để kiểm soát những vấn đề tài chính của mình.
Từ khi tôi viết cuốn sách này, có một điều ngày càng sáng tỏ: bạn càng sớm giành quyền kiểm soát tài chính của mình càng tốt, và thẳng thắn mà nói, hãy làm điều đó khi bạn càng trẻ càng tốt. Nếu bạn có dư dả thời gian để vượt qua vài cơn bão tài chính, khoản lời dài hạn từ lương hưu, tiền tiết kiệm, sản nghiệp và khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ lớn hơn. Nếu bạn có thể tránh được nợ nần trong những năm tháng tuổi hai mươi và sớm bắt đầu việc sở hữu căn nhà của riêng mình, tương lai tài chính dài hạn của bạn sẽ tươi sáng. Nhưng, tôi đón tuổi ba mươi khi gần như không một xu dính túi nên tôi biết rằng mình có thể bù đắp lại khoảng thời gian đã mất. Tôi biết có những người phải đến năm bốn mươi tuổi mới tìm được sự an toàn về tài chính. Thậm chí nếu bạn sắp nghỉ hưu, vẫn có những công cụ và gợi ý mang lại hiệu quả ngay lập tức cho các vấn đề tài chính của bạn nếu bạn thực hiện chúng.
Tôi hoàn toàn hiểu được vì sao rất nhiều người trong chúng ta cứ sống mà không có tiền bạc trong tay, những tin tức trên truyền hình tràn ngập các thống kê tùy ý, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát, giá cổ phiếu và biệt ngữ đã lừa dối ta – những thứ này thực sự ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Chưa có ai từng nói về chúng cả! Và khi chúng ta nói với những người đáng nhẽ ra phải biết về tiền bạc – những nhà quản lý ngân hàng và các nhà tư vấn tài chính – chúng ta cũng không nhận được lời khuyên, cái tên nhận được chỉ là một bài thuyết trình bán hàng cho một “sản phẩm” hoặc “phương tiện” tài chính mới. Thỉnh thoảng, có vẻ những dịch vụ tài chính được phức tạp hóa đến mức ta không thể hiểu nổi và vì vậy mà không thể ngó nghiêng xung quanh để tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn! Chúng ta thấy việc kiểm soát tài chính là bất khả thi bởi ta không được cung cấp những kỹ năng hay thông tin cần thiết.
Lo lắng về tiền bạc làm tàn lụi cuộc sống con người. Chúng ta sẽ có đủ tiền để trả đống hóa đơn này chứ? Chúng ta có bao giờ kiếm đủ để trả hết nợ không? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta không thể trả nợ trước hạn cuối hoặc chi trả cho chuyến đi chơi của trường? Ta bó buộc bản thân mình trong những nút thắt tiền bạc và cuối cùng nó trở nên quá phức tạp và quá đáng buồn – tới mức cách duy nhất để xử lý là cứ lờ nó đi. Và khi điều đó xảy ra, mọi thứ chỉ tồi tệ thêm mà thôi.
Và nếu chúng ta không lo lắng về tiền bạc, thì chúng ta mơ về tiền, về những chiếc xe, những ngôi nhà mà ta muốn mua. Tôi thấy vấn đề là ở chỗ giữa việc lo lắng về tiền và mơ về tiền, rất nhiều người trong số chúng ta quên mất việc phải nghĩ về nó. Rất nhiều lời khuyên trong cuốn sách này khuyến khích bạn bắt đầu nghĩ về tiền một cách thực tế, tránh xa hoảng loạn vô ích và mơ ước vô dụng.
Cuộc đời đã dạy tôi về tầm quan trọng của đồng tiền. Tôi biết rằng cuộc sống sẽ ra sao nếu không có tiền và tôi biết rằng sẽ ra sao nếu trở nên giàu có – quan trọng là tôi biết việc kiếm tiền khó khăn đến thế nào. Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo cùng cực, gần như chẳng có lấy một chút tiền. Lần duy nhất tôi có tiền khi còn nhỏ là hồi tôi đi đưa báo để tiết kiệm tiền mua một chiếc xe đạp. Mười lăm năm sau khi rời trường học, tôi cứ trôi dạt từ công việc bế tắc này tới công việc bế tắc khác, đôi khi tiết kiệm đủ để mua một chiếc xe, đôi khi phải bán xe bởi hết sạch tiền. Mãi đến những năm ba mươi tuổi tôi mới bắt đầu kinh doanh và dần trở nên giàu có. Hành trình ấy đã dạy tôi biết coi trọng tiền hơn là đếm nó.
Cuốn sách này không nói về chuyện làm giàu, nó bàn đến việc kiểm soát tiền bạc. Đến cuối sách, bạn sẽ có sự tự tin để đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân mình và những kỹ năng để khiến đồng tiền của mình đi xa hơn, có hiệu quả hơn dù nền kinh tế có ra sao đi chăng nữa.
CUỐN SÁCH NÀY CÓ GÌ?
Đây không phải cuốn sách viết về việc cắt bỏ những lãi suất trái phiếu hay cách tốt nhất để giảm hóa đơn sinh hoạt, có rất nhiều cuốn sách đã được xuất bản nói về việc sống tiết kiệm và những website nơi bạn có thể so sánh giá cả. Cuốn sách này cũng không nói về những khía cạnh của cuộc sống tài chính nơi bạn tiết kiệm một đồng chỗ này hay thêm 5% chỗ kia – nó bàn tới những khía cạnh, thành tố cốt yếu của tài chính và mối quan hệ cốt lõi của bạn với đồng tiền.
Cuốn sách này cũng không bàn đến kinh tế học toàn cầu hay cho bạn lời khuyên cụ thể về những sản phẩm tài chính sẽ lỗi thời ngay khi được phát hành. Tôi không thể đưa ra cho bạn câu trả lời về những mối quan ngại hay vấn đề cụ thể, nhưng tôi có thể cung cấp cho bạn thông tin để từ đó bạn tự tìm ra câu trả lời. Cuốn sách này nói tới việc thấu hiểu những nguyên tắc cơ bản, dài hạn và cách hành xử giúp bạn chịu trách nhiệm về những lựa chọn tài chính của mình. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn một số học thuyết cơ bản về tiền tệ và chỉ ra việc cân bằng năm yếu tố – thu nhập, chi tiêu, vay mượn, tiết kiệm, đầu tư – là chìa khóa đảm bảo tài chính ra sao.
Qua nhiều năm, tôi đã phát triển một chuỗi những khái niệm thực sự giúp bản thân hiểu về tiền bạc và cho phép tôi tận dụng tối đa những gì mình có. Đối với tôi, giỏi trong chuyện tiền bạc nghĩa là khiến những ảnh hưởng tồi tệ nhất của thế giới tài chính bên ngoài không thể tác động đến mình, đồng thời tận dụng những cơ hội kinh tế phát sinh. Cuốn sách này sẽ cho bạn biết phải làm thế nào.
Cuốn sách gồm ba phần, khá giống việc học lái xe, đầu tiên là phần lý thuyết nơi tôi chia sẻ một số quan sát của mình về việc tiền là gì và làm thế nào để kiểm soát nó. Phần tiếp theo bao gồm những mục về thực tế nơi tôi trao đổi những chiến lược và lựa chọn đối với những yếu tố chính ảnh hưởng tới đời sống tài chính của chúng ta. Và sau đó, cuối cùng, thay cho một bài sát hạch lái xe, tôi sẽ đưa bạn tới phần chuẩn bị kế hoạch tài chính cá nhân cho chính bạn.
Bạn sẽ không phải đọc cuốn sách này theo đúng trình tự của nó. Ví dụ, nếu bạn muốn bắt đầu với phần tiết kiệm thì cứ đọc nó trước. Thậm chí có thể một số lý thuyết trong Phần Một sẽ ngấm sâu hơn một chút khi bạn đọc những ví dụ thực tế ở Phần Hai. Tôi hy vọng rằng dù bạn đọc cuốn sách này theo thứ tự nào, khi bạn xem xét nó một cách tổng thể, nó sẽ tạo thành một cẩm nang hoàn thiện để giúp bạn hiểu về tiền, hỗ trợ bạn chịu trách nhiệm về những lựa chọn tài chính của bản thân và cuối cùng là khiến bạn giàu có hơn.
CUỐN SÁCH NÀY DÀNH CHO AI?
Bạn không cần biết bất cứ thuật ngữ nào để hiểu gần như toàn bộ cuốn sách này (tôi đã cố gắng để càng ít dùng chúng càng tốt, đồng thời bổ sung một phần giải thích thuật ngữ tài chính ở cuối sách cho những ai cần). Bạn không cần phải có tiền tiết kiệm hay có xếp hạng tín dụng tốt. Bạn thậm chí còn không cần phải biết “xếp hạng tín dụng” là gì hoặc vì sao nó quan trọng. Dù bạn có tiền gửi ngân hàng hay không, bạn mười tám hay tám mươi tuổi, làm chủ, thất nghiệp hay làm giờ hành chính, những nguyên tắc để thông minh trong chuyện tiền bạc cũng vẫn được giữ nguyên. Thế nên nếu bạn muốn tối ưu hóa những gì bạn kiếm được thì đây chính là cuốn sách dành cho bạn.
1949–1964
Tôi là một trong bảy đứa trẻ lớn lên trong một căn nhà trợ cấp của chính phủ ở Clydebank. Cha tôi làm việc trong một nhà máy địa phương, số tiền ông kiếm được vô cùng ít ỏi. Khi chiếc xe tải bán kem chạy qua, ông bảo tôi không thể có một cây kem vì “chúng ta nghèo”. Lần duy nhất tôi có tiền là khi tôi làm công việc giao báo, nhờ vậy mà tôi tiết kiệm được một khoản để mua một chiếc xe đạp. Tham vọng của tôi là “không nghèo”.
1964–1968
Tôi làm chụm lò ở Hải quân Quốc gia và kiếm được ít tiền tới mức chẳng cần đến tài khoản ngân hàng. Khi bị đuổi một cách chẳng vẻ vang gì (tôi quăng lão sĩ quan chỉ huy xuống biển!), tôi mới mười chín tuổi, không bằng cấp hay có triển vọng gì.
1969–1978
Tôi dành những năm tháng tuổi hai mươi để làm một loạt những công việc bế tắc – lái taxi, làm việc trong quán bar, làm trong các gara, bán kem trên bờ biển – và tiêu tất cả những đồng tôi kiếm được. Khi gần ba mươi tuổi, tôi nhận ra mình không thể sống buông thả mãi bởi tôi muốn ổn định và lập gia đình. Tôi quyết định thay đổi cuộc đời, tự hứa với mình và vợ tương lai rằng tôi sẽ trở thành một tỉ phú.
1979–1985
Cuối cùng thì tôi đã có một tài khoản ngân hàng vào năm ba mươi tuổi để có thể trữ lượng tiền mặt tôi đang tiết kiệm cho mục tiêu đặt cọc một căn nhà, khi đó tôi đang làm theo ca trong một tiệm bánh. Tôi kiếm thêm tiền bằng cách sửa lại những chiếc xe mua ở buổi đấu giá. Khi một chiếc xe tải bán kem được đưa ra đấu giá, tôi mua nó với giá 450 bảng và bắt đầu công việc bán kem của mình. Trong vòng vài năm, tôi đã có một đội gồm sáu xe tải, nhượng quyền sinh lợi ở các công viên địa phương và có doanh số 300.000 bảng mỗi năm. Tôi sử dụng một phần tiền để mua những sản nghiệp rẻ, cho những người hưởng an sinh xã hội thuê.
1986–1997
Tôi bán doanh nghiệp kem, xe và thậm chí bán cả nhà để bắt đầu việc kinh doanh mới – Qualiti Care Homes (Nhà dưỡng lão chất lượng cao). Chúng tôi cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chất lượng cao trong những ngôi nhà ở chuyên biệt và khi tôi hết tiền để xây ngôi nhà đầu tiên, tôi đã vay 30.000 bảng trong thẻ tín dụng để hoàn thành dự án. Tôi mở rộng số lượng lên chín ngôi nhà và đưa công ty lên sàn chúng khoán với giá 18 triệu bảng. Tôi tiếp tục mở rộng và bán cổ phần kinh doanh của mình vào năm 1997 với giá 40 triệu bảng. Trong suốt thời gian này, tôi cũng bắt đầu những mối đầu tư khác, bao gồm các cơ sở trông trẻ ban ngày và các câu lạc bộ sức khỏe.
1997 – nay
Bannatyne’s giờ là chuỗi câu lạc bộ sức khỏe thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất cả nước với 180.000 thành viên với 60 câu lạc bộ. Năm 2004, tài sản cá nhân của tôi được ước tính là 100 triệu bảng trong danh sách người giàu của Sunday Times. Năm 2008, họ tính toán tài sản ròng của tôi vào khoảng 310 triệu bảng.