Một thời Quảng Trị


517
Tham khảo
16
Tải về
Ủng hộ chúng tôi
https://timtruyen.vn/go/281640469

Một thời Quảng Trị

Hồi ức “Một thời Quảng Trị” – Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 6.2008,của Thượng tướng TS. Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, do Đại tá, nhà báo Lê Hải Triều chấp bút.

Với 538 trang sách, bằng một trí nhớ tuyệt vời của một vị tướng trận, một nhà nghiên cứu chiến lược, chiến thuật quân sự, Tướng Nguyễn Huy Hiệu đã làm sống lại một Quảng Trị với muôn vàn chiến công và ngàn vạn nỗi đau trong những năm tháng không thể nào quên trên mảnh đất mà ông đã từng ở và chiến đấu.

Quảng Trị là chiến trường mà ông đã từng gắn bó nhiều nhất với đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Một thời Quảng Trị là cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc mà ông đã dồn cả tâm huyết của mình để hòan thành.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã viết trong cuốn hồi ức: “Tôi nghĩ phải bằng mọi cách để có thể nói lại với mai sau về những sự tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để các thế hệ mai sau không lãng quên quá khứ của dân tộc, không lãng quên Một thời Quảng Trị – mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”.

Mong muốn lớn nhất của ông trong Một thời Quảng Trị là góp phần tôn vinh dân tộc và quân đội thông qua mảnh đất Quảng Trị đầy máu và lửa, đồng thời là để tri ân đồng đội, đồng bào đã vượt qua mọi thử thách hiểm nguy để chiến đấu giành, giữ từng tấc đất thiêng, trong đó nhiều người đã hy sinh, tên tuổi của họ đã trở thành bất tử.

Những đêm hành quân trong mịt mùng khói lửa; những ngày ẩn sâu vào lòng đất mẹ để che mắt đối phương, những giờ phút lặng phắc, nín thở chờ trận chiến, tưởng như trái tim cùng thời gian ngưng lại; những trận chiến đấu quả cảm thiêu cháy đối phương bằng ngọn lửa hờn căm; những niềm vui ngất trời khi lá cờ chiến thắng lồng lộng tung bay, và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào, đau thắt khi lặng lẽ tiễn đưa đồng đội về nơi an nghỉ.

Tất cả, tất cả đều được tái hiện chân thực và chắt lọc, giản dị và sinh động trong Một thời Quảng Trị.

Một cuốn hồi ức có giá trị của ngày hôm qua, hôm nay và cả thế hệ mai sau hiểu thêm về đất và người Quảng Trị thời chiến tranh. Sách gồm 7 chương, tác giả dành chương đầu tiên “Hòai niệm về chiến trường xưa và đồng đội” nói về cuộc hội thảo cùng tên, và chương cuối cùng – rất ít trang để nói về bước trưởng thành của mình.

5 chương trọng tâm mô tả một cách chi tiết diện mạo cuộc chiến ở vùng giới tuyến gió và cát khốc liệt Quảng Trị: Bắc Quảng Trị trong cuộc tiến công năm 1968, Chiến đấu trên tuyến hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra, Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, Giải phóng Quảng Trị 1972, đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn.

Bằng tâm thế của một người trong cuộc, trực tiếp cầm súng và chỉ huy chiến đấu suốt những năm tháng đỉnh cao của ác liệt chiến tranh, đồng thời bằng nhãn quan của một nhà quân sự, nên những chi tiết trong tác phẩm khi được kể ra, đã mang tới người đọc nhiều thông tin, hiểu biết về chiến trận cực kỳ thú vị.

Các trận đánh được mô tả rất chi tiết, sống động của một người chép sử. Từ các lọai hình chiến lược, chiến thuật của quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn tung ra ở chiến trường Quảng Trị như: Hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra, Cuộc hành quân Lam Sơn 719,Mùa hè đỏ lửa 1972, Chiến thuật Trâu Rừng năm 1969-1970, các lọai chất độc hóa học như khai quang, diệt cỏ…

Đến các quân, binh chủng, các đơn vị, phiên hiệu của đối phương có mặt tại chiến trường Quảng Trị: Sư đòan 25 “Tia chớp nhiệt đới”, Sư đòan American, Kỵ binh không vận, Kỵ binh bay, Thủy quân lục chiến, Pháo binh, Bộ binh cơ giới… Cùng các lọai phương tiện chiến tranh hiện đại, tinh nhuệ: Máy bay B.52, B.57, phản lực, tiêm kích, cường kích các lọai, trinh sát OV0, L19, các lọai bom đào, bom phá, bom phạt, bom dù,bom bi, bom napal, pháo càng, pháo chụp, pháo lùi, pháo khoan, mìn claymo, mìn định hướng.

Và cũng từ cuốn hồi ký này mà những địa danh của Quảng Trị gắn với những trận quyết chiến, những chiến công của quân dân Quảng Trị được biết chi tiết: Địa đạo Vĩnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9, Lao Bảo, La Vang, Đồi Không Tên, Đồi Tròn, Đồi Mâm Xôi, Ái Tử, Nhan Biều… Những cao diểm 322, 228, 544, 182, Quán Ngang, Sa Mưu, 300 Đất, 300 đá, 84 Hồ Khê-Đá Bạc, Tân Kim, Cam Lộ, Thành Cổ, Sông Thạch Hãn, Sông Ô Lâu, Sông Ba Lòng, Sông Sebanghieng,Sông Sêpol, Suối La La… Cam Lộ, Cửa Tùng, Cửa Việt…

Ở một phía khác của Một thời Quảng Trị là những trang viết đầy xúc động khi kể về đồng đội, về những chiến công, là sự hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, từng điểm chốt … Chiến tranh không chỉ có chiến thắng mà còn là sự hy sinh mất mát, là những người đồng đội vĩnh viễn nằm xuống mà thậm chí không có được sự nguyên vẹn thân thể.

Những cái tên, những con số thương vong, hy sinh sau mỗi trận đánh không chỉ là sự tỉ mỉ của một người chép sử, mà như là ghi lại hồi ức để khắc sâu hình ảnh đồng đội trong trái tim của tác giả. Có lẽ thế mà những cái tên có độ chính xác cao, không chỉ quê quán, tên đơn vị, chức danh mà cả nơi được chôn cất, dù lúc đó cuộc chiến vẫn đang diễn tiến rất ác liệt.

Và có lẽ thế mà khi Một thời Quảng Trị được phát hành, đã có không biết bao nhiêu người thân đã “tìm” thấy người thân của mình từ trang sách, rồi đi tìm phần mộ và đã “gặp”. Và cũng từ trang sách, không ai có thể thờ ơ khi đọc những con số thống kê tưởng như lạnh lùng, nhưng thực chất ẩn chứa nỗi đau, cái quặn thắt trái tim, là rưng rưng nước mắt không chỉ của riêng thân nhân những người đã ngã xuống mà là của những người Việt Nam hôm nay.

Chỉ riêng dải đất Quảng Trị khi kết thúc chiến tranh có tới 72 nghĩa trang, với 60.000 liệt sĩ. Trong đó Nghĩa trang Trường Sơn có 10.263 mộ chí, Nghĩa trang Đường 9 có 10.420 liệt sĩ…

Một thời Quảng Trị là một cuốn hồi ký về chiến tranh nhưng hấp dẫn người đọc ở lối khai thác hiện thực chiến tranh khá trung thực. Các cuộc chiến được mô tả rất cụ thể từ giờ khai cuộc, thời tiết, ngày tháng năm, các phiên hiệu đơn vị tham chiến của ta và đối phương, các phương tiện vũ khí được sử dụng trong trận đánh, diễn tiến cuộc chiến như thế nào. Và ngay cả sau cùng là những nhận xét bằng con mắt của một chỉ huy quân sự đánh giá trận đánh khách quan, chủ quan, và không cả tránh né thừa nhận sự thương vong.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã khẳng định: “Khi ta đứng trên đất Quảng Trị, ta dễ tìm thấy cội nguồn tình cảm và sức mạnh con người. Về chiến trường xưa không phải chỉ dành cho những ai đã từng có mặt ở đây trong chiến trận mà là cho mọi người, cho các thế hệ người Việt Nam và cả người nước ngoài”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã gọi Quảng Trị là “cõi thiêng trong tâm khảm nhân loại tiến bộ”. Một thời Quảng Trị như một nén tâm nhang thắp lên trước anh linh đồng đội một thời cùng ông sát cánh chiến đấu, đồng cam cộng khổ, mãi mãi hòa máu thịt của mình vào với đất, với nước của Quảng Trị đã đi vào thơ ca với nỗi buồn sâu sắc.

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ!
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm./.
Ngày phát hành
6-2008
Nhà xuất bản
Ngôn ngữ
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giảNhà xuất bản
Mượn Ebook Tốc độ cao - Không quảng cáo
Gợi ý sách hay cho bạn
Trang chủ