Trong ba học giả nổi tiếng thế giới về nghiên cứu sự nghiệp Colombo hiện đang còn sống thì một là người Tây Ban Nha, đất nước đã có vinh dự tài trợ cho kế hoạch thám hiểm, một là người Mỹ, đất nước đã được Colombo phát hiện, một là người Ý, đất nước đã có vinh dự là cái nôi sinh ra nhà thám hiểm. Người Ý đó là Paolo Emilio Taviani, tác giả của tập sách này, một tác phẩm trình bày một sự kiện lịch sử, nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn...
***
LỜI GIỚI THIỆU
Ngày 12 tháng 10 năm 1492, lần đầu tiên đặt chân lên bãi cát trắng mịn của đảo nhỏ Guanahani, nay là đảo San Salvador, thuộc quần đảo Bahamas ở Trung Mỹ, Cristoforo Colombo, nhà hàng hải người Genova ngỡ ngàng trước một thiên nhiên hùng vĩ và một cộng đồng thổ dân khác lạ: Tất cả - đàn bà cũng như đàn ông - đều ở truồng. Thân thể của họ được sơn màu xám, màu trắng, màu đỏ, hoặc các màu khác. Sơn toàn thân, hoặc chỉ sơn mặt, có người sơn cả hai mắt, hoặc chỉ sơn mũi.
Colombo đã ghi như vậy trong Nhật ký hành trình của ông, với một thái độ ngạc nhiên.
Tiếp đó, đoàn thám hiểm đặt chân lên các đảo khác lân cận, lớn hơn, như: Haiti, Cuba, Jamaica, Puerto Rico... Một thế giới kỳ lạ tiếp tục mở ra trước mắt họ, nhưng họ vẫn không thể nào hiểu ra rằng: đây là một lục địa mới, một lục địa thứ tư, sau ba lục địa cũ - châu Âu, châu Phi và châu Á - mà “Thế giới Cũ” đã biết.
Giong thuyền đi thẳng về hướng tây, nơi mặt trời lặn, trong suốt thời gian vượt Đại Tây Dương, đầu óc Colombo chỉ chăm chăm một điều tin tưởng là có thể tới được phương Đông, nơi mặt trời mọc, để tiếp cận với Cataio (Trung Quốc) và Cipango (Nhật Bản). Tình cờ đụng phải các đảo miền biển Trung Mỹ, Colombo đã tưởng ngay rằng ông đã tới gần India (Ấn Độ) và ông đã gọi chung các thổ dân khác nhau của vùng này là Indiani; từ này ngày nay chỉ những thổ dân da đỏ. Và cho đến tận cuối đời Colombo vẫn yên trí như vậy. Điều đó rất dễ hiểu. Với vốn tri thức học được từ các nhà địa lý học, các nhà vũ trụ học, các nhà vẽ bản đồ ở thời đại ông, cộng thêm kinh nghiệm hàng hải, dù là phong phú của bản thân ông, Colombo vẫn không thể nào hình dung được rằng “Biển cả đen tối” từng làm khiếp sợ những nhà hàng hải dũng cảm nhất, còn che dấu một lục địa rộng mênh mông, trải dài từ Bắc cực đến Nam cực. Chỉ nội một điểm ấy, phần quả đất mới được phát hiện cũng đã xứng đáng với cái tên “Thế giới Mới”.
Ở phương Đông từ xa xưa đã lưu hành truyền thuyết “Bồng lai tiên cảnh”. Sách Thuật dị ký chép đó là ba hòn đảo, có hình ba chiếc bầu rượu, Bồng lai, Phương trượng, Doanh châu, nơi các tiên ở, trường sinh bất lão. Từ thế kỷ III trước Công nguyên, Từ Phúc, người Trung Quốc, vì muốn trốn tránh hành động tàn bạo “phần thư khanh nho[*]” của Tần Thủy Hoàng đã tình nguyện xin đi tìm thuốc trường sinh. Tần Thủy Hoàng đồng ý, cấp cho thuyền bè cùng mấy nghìn nam nữ đồng trinh. Từ Phúc tếch thẳng sang Nhật Bản sinh sống.
Ở châu Âu từ xa xưa cũng lưu hành rộng rãi truyền thuyết về một “Thời đại Hoàng kim” ở thời Thượng cổ. Kinh Thánh nói đến “Vườn Địa đàng”. Nhà triết gia Hy lạp Platon (428-347 trước CN) trong cuốn Fedone nói về sự bất diệt của linh hồn, đã tưởng tượng có một thế giới rộng lớn và hùng mạnh ở bên kia Địa Trung Hải. Nhà thơ Latin Orazio (65-8 trước CN),trong cuốn Epodi, đã khuyên những người yêu nước hãy sớm rời bỏ thành La Mã, nơi dân chúng đang bị điêu đứng vì nội chiến và tranh giành quyền lực, để đi xây dựng một “La Mã mới” tại xứ sở Hoàng kim mà Tạo hóa, từ thuở khai thiên lập địa, đã “dành riêng cho các dân tộc sùng đạo”.
Những truyền thuyết, những linh cảm mang tính tiên tri trên đây của các nhà thơ và triết gia, chủ yếu vẫn thuộc lĩnh vực huyền thoại, hư hư thực thực. Mặc dù vậy, dàn đồng ca trong vở kịch Medea của nhà văn Latin Seneca (4 trước CN - 65 sau CN) vẫn trang trọng hát lên lời bố cáo sau đây, như một lời tiên tri sẽ sớm trở thành hiện thực: “Sau đây một ít năm, sẽ đến ngày đại dương mở những hàng rào chắn và người ta sẽ khám phá ra một dải đất mênh mông... và Thule sẽ không còn là ranh giới cuối cùng của đất nổi”. Về sau con trai của Colombo đã hãnh diện ghi vào bên lề cuốn Medea của mình “Điều tiên đoán này đã được chứng minh bởi cha tôi, Đô đốc Cristoforo Colombo, vào năm 1492”.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản