Trong lịch sử phát triển văn hoá của nhân loại, không có một dân tộc nào tồn tại và phát triển lại dựa vào phong tục tập quán ngoại lai, mà phải dựa trên chính những phong tục tập quán truyền thống bản địa. Việt Nam cũng không nằm ngoài qui luật đó. Xét về phương diện văn hoá xã hội, quá trình xây dựng và phát triển đất nước luôn có mỗi quan hệ chặt chẽ với sự hình thành phong tục tập quán.
Phong tục tập quán được hình thành trong sinh hoạt xã hội luôn gắn với hoàn cảnh lịch sử của thời đại. Hiện nay, chúng ta hay nói phong tục này lạc hậu, tập quán kia lỗi thời, đó là vì chúng ta chưa quán triệt một cách sâu sắc quan điểm lịch sử cụ thể. Bản thân phong tục tập quán của người xưa, ở vào một thời kỳ nào đó là chuẩn mực xã hội của thời ấy, có như thế mới tồn tại và phát triển.
Chúng ta hẳn không quên lời dụ của vua Quang Trung Nguyễn Huệ vào năm 1788 khi khẳng định phong tục tập quán và quyền tự chủ của người Việt Nam để động viên quân sĩ đánh giặc. Khi đó, vua Càn Long nhà Thanh (Trung Quốc) ra lệnh cho 20 vạn quân tiến đánh Việt Nam, vua Quang Trung tiến quân dẹp giặc Thanh và viết bài dụ bằng chữ Nôm. Bài dụ khẳng định ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phong tục tập quán để tóc dài và nhuộm răng đen của người Việt Nam; cùng quyết tâm đánh giặc để bảo vệ độc lập dân tộc: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng… Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”. Thực tế lịch sử cho thấy vua Quang Trung đã làm nên một thắng lợi diệu kỳ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, phá tan 20 vạn quân Thanh trong thời gian chưa đầy một tuần.
Chính vì thế, các thế hệ người Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ phong tục tập quán truyền thống của ông cha mình, luôn quan tâm sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu phong trào tập quán Việt Nam trong lịch sử để tìm về cội nguồn sức mạnh văn hoá dân tộc. Tiểu học Bản quốc phong tục sách của Đoàn Triển (1854 – 1919) là một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán đã thấm nhuần tinh thần đó.
Sách được viết theo phương pháp sách giáo khoa để dạy cho học sinh bậc tiểu học về những phong tục tập quán truyền tống cơ bản nhất của người Việt Nam. Nội dung cuốn sách gồm 61 đề mục, ghi lại những phong tục tập quán tốt đẹp và rất gần gũi với đời sống văn hoá của nhân dân ta. Các phong tục tập quán được tác giả mô tả đơn giản và dễ hiểu, như tết Nguyên đán được tác giả chia thành 7 đề mục nhỏ gồm: giới thiệu ngày tết, sửa sang và mua sắm, lễ vật, lễ bái, khởi sự, giao tiếp và du xuân; hay tết Trung thu, tác giả ghi: ngày 15 tháng 8 hàng năm là tết Trung thu. Trẻ nhỏ hay mua đồ chơi như đèn giấy, ngựa giấy, voi giấy. Tối đến bày nhiều thứ hoa quả làm cỗ trông trăng,v.v… hoặc về các việc, như: học hành, thi đỗ, nông lịch, cầu an, thờ cúng tổ tiên, tang ma, v.v… cũng được tác giả miêu tả cẩn thận và toát yếu những nội dung cơ bản.