Khi tôi hoàn thành chương cuối cùng của cuốn sách này - cuối tháng 2 năm 2001 - tôi cũng gần bằng độ tuổi của Churchill khi ông làm thủ tướng lần thứ hai. Trong lúc có nhiều người viết về cuộc đời của Churchill, khoảng chừng 50 đến 100 cuốn sách, tôi ít nhất có thể cho rằng mình là người duy nhất 80 tuổi nằm trong danh sách đó. Tôi cũng nghĩ mình là bộ trưởng giàu kinh nghiệm và là nghị sĩ Quốc hội từng trải nhất viết tiểu sử Churchill.

Mặt khác, tôi không thể khẳng định mình biết rõ về Churchill. Cha tôi đã giới thiệu tôi với ông trong một sự kiện đáng nhớ vào năm 1941, khi phòng họp Quốc hội bị bom phá nát và Hạ viện phải họp trong một căn phòng của nhà thờ Westminster. Vào thời gian đó, tôi được nghe nhiều bài diễn văn nổi tiếng của Churchill, lúc thì tại Quốc hội, lúc thì qua sóng phát thanh. Xuyên suốt cuộc chiến, ông luôn hiện diện trong lòng tôi và vẫn như thế trong thời đại hiện nay.

Bảy năm sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi năm 1941, tôi trở thành một bộ trưởng trẻ và ngồi cùng ông suốt 16 năm trong Hạ viện. Với các mức độ đánh giá khác nhau - trong tư cách thành viên đảng đối lập - tôi quan sát phong thái của ông, trước hết là một con người đa diện sau mới là người đứng đầu nội các suốt 9 năm. Tôi nhận thức rằng mình đang chứng kiến một điều gì đó độc đáo nhưng thật xa vời và khó tiên đoán, có thể sánh với việc ngắm nhìn một ngọn núi hùng vĩ, đôi khi được chiếu sáng bởi một thứ ánh sáng kỳ diệu nhưng cũng có lúc bị mây che mờ. Tôi không có cuộc trao đổi sâu sắc nào với ông trong khoảng thời gian 16 năm ấy. Tôi không chắc ông biết tôi là ai, mặc dù tôi cũng là thành viên của Other Club vào những năm sau này, đáng tiếc lúc tôi có mặt thì đó lại là buổi tối đọc cáo phó về ông.

Điều gì làm cho Churchill trở thành một chính trị gia vĩ đại? Theo tôi, đó chính là tính cách của ông: nhân hậu, can đảm, nhiệt thành, kiên trì, nhẫn nại... và biết cách thuyết phục người khác. Công chúng Anh đã rất hâm mộ tài hùng biện của ông, khi ông kêu gọi đất nước quật cường chống lại hai cuộc chiến tranh thế giới. Có người phàn nàn rằng Churchill nói quá nhiều nhưng đó chính là chính trị. Tuy nhiên, chính trị đôi khi là vấn đề của các cá nhân, và tôi cố gắng xây dựng một hình ảnh nhất quán về những khía cạnh khác nhau của nhân vật. Sự can đảm của Churchill đã được thể hiện rõ từ thời trai trẻ qua cuộc chiến tranh Boer, và cứ thế tăng dần theo độ tuổi. Ông đã nắm quyền điều hành đất nước trong những ngày đen tối nhất của Thế chiến II, khi máy bay Đức ném bom xuống thủ đô London. Trong khi Phần Lan, Hà Lan, Bỉ, và Pháp đầu hàng sức mạnh phát xít, Churchill đã đọc một bài diễn văn hiệu triệu qua sóng radio gởi tới mọi người dân Anh: “Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên đất liền. Chúng ta sẽ chiến đấu trên những cánh đồng và trên các đường phố. Chúng ta sẽ chiến đấu trên những ngọn núi. Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng”.

Gần 16 tháng sau đó, Churchill được mời tới nói chuyện tại lễ tốt nghiệp ở trường Harrow, một trường trung học danh tiếng của nước Anh. Đây cũng là ngôi trường ông đã tốt nghiệp nhiều năm trước. Hiệu trưởng trường Harrow giới thiệu khách mời danh dự. Churchill chậm rãi bước lên bục. Ông chăm chú nhìn xuống các học sinh. Đó là ngày cuộc chiến đang diễn ra. Churchill biết rằng, sẽ có rất nhiều chàng trai trẻ trong số này sẽ sớm tòng quân và họ cần đến một tinh thần dũng cảm vô biên cho trận chiến phía trước. Ông nói bằng một cảm xúc nồng nhiệt: “Chúng ta không bao giờ đầu hàng. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ - trong cả điều lớn và điều nhỏ. Không bao giờ khuất phục, ngay cả trước sức mạnh vượt trội của kẻ thù”. Sau đó, Churchill quay đi và lặng lẽ ngòi xuống. Bài diễn văn của ông chỉ dài khoảng 2 phút. Đó là toàn bộ thời gian ông cần để chia sẻ triết lý của mình, triết lý đã giúp ông dẫn dắt người dân Anh đến chiến thắng. Vì, “thành công không phải là đích cuối cùng, thất bại không phải là tai họa, chính lòng can đảm đế tiếp tục mới là điều quan trọng”.
Đang tải sách
Trang chủ