Tác giả Phan Công Vượng và Tài Liên sơn là những thanh niên còn rất trẻ khi lên đường đi chiến đấu, riêng anh Tài mới chỉ 15 tuổi 9 tháng và chỉ nặng 39kg, mặc bộ quân phục còn phải xắn lên 5,6 gấu. Họ cùng lên đường từ miền quê nghèo Nghệ an, vào tới quân đội họ mới biết mùi vị của mì ăn liền, thịt hộp, bia... Họ đã tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam từ những ngày đầu ở vùng Lò Gò- Tây Ninh, khi quân Pốt xâm lược đất nước.

Vào trận đầu, những người thanh niên ấy cũng rất lơ ngơ. Anh Vượng gặp địch mà giật mãi không được quả US ra khỏi thắt lưng, trước đó vì sợ rớt, anh đã lấy dây cao su cột chặt mỏ vịt lại. Khát quá, anh liền lấy súng nhằm bắn 1 trái cây nhỏ, không biết rằng có bắn trúng cũng chẳng ăn được. Còn anh Tài, tuy đi bộ đội sớm nhưng lại là bộ đội thời bình, bộ đội làm kinh tế: đóng gạch, làm lúa, đào mương... vì vậy, không chỉ anh mà hầu như cả đơn vị nghe tiếng súng địch lần này là lần đầu. Đơn vị anh, có người ném lựu đạn nhưng quên rút chốt, may sao, lựu đạn trúng ngay đầu thằng địch. Có người trong đêm thấy địch đang đào công sự, hút thuốc thơm quá, đến vỗ vai xin thuốc.

Vậy mà chỉ 6 tháng sau, những người thanh niên ấy đã trưởng thành trong chiến đấu, tới mức chỉ nghe tiếng đạn nổ là biết đường đạn bay cao hay thấp, lập tức xung phong không cần đợi lệnh. Anh Vượng làm tổ trưởng một tổ trinh sát dẫn bộ binh đi phục kích. Anh Tài làm B trưởng rồi C phó lúc mới có 19 tuổi. Như các anh nói: Từ chỗ tim đập bất chấp nhịp địệu, đến lúc chậm dần và đều lại là một quá trình tôi luyện đầy gian khổ.

Các anh đã trải qua những ngày bị vây trên chốt, phải đái vào bình tông lấy nước uống, phải vùi mình trong đất cho mát, phải chia nhau từng bát nước bùn, đói đến hoa mắt, bủn rủn chân tay, đứng lên ngồi xuống cũng là cả một vấn đề. Cũng có ngày mùa mưa, nước chảy vào hầm, các anh phải ngủ ngồi trong nước vì nếu nằm thì nước ngập quá mặt. Các anh đã từng bị trúng đạn, vết thương phải cắt đi vài lạng thịt, to bằng nắm tay, khi làm thuốc, y tá cầm panh kẹp gạc tẩm cồn cho vào ngoáy như rửa chai lọ, đau kêu trời kêu đất. Các anh đều trải qua nhiều lần chết hụt, vì đạn pháo, vì địch phục kích, có khi trèo lên cây xuống thấy mìn ở gốc, nhảy xuống hố bom thấy mìn trên bờ, chưa kể những tai nạn vô lý như: súng bị cướp cò, ăn nhầm rau độc...

Còn nhiều, nhiều lắm những gian nan không kể xiết mà người lính phải trải qua. Cũng có người nảy sinh tâm tư, có kẻ đào ngũ, có kẻ tự thương, nhưng hầu hết các anh đã vững vàng vượt qua vì sau lưng các anh còn có cả đất nước, gia đình, cha mẹ, anh chị em... và có cả "cô hàng xóm" tự thuở nào vẫn đang chờ đợi.
Đang tải sách
Trang chủ