Current View
Người cư sĩ ước nguyện các chùa là nơi thanh tịnh tu hành của Tăng, Ni và Cư sĩ, chứ không phải là nơi trường học, nơi tham quan vãng cảnh, nơi hành hương mê tín ....của tín đồ. Có được như vậy thì Phật Pháp mới trường tồn.

Sau khi được Thầy cho phép Diệu Quang đọc những tâm nguyện của các bạn cư sĩ bốn phương gửi thư về Thầy, và gần đây Diệu Quang được đọc hai tập sách mỏng, mỗi tập độ khoảng 40 trang giấy của tác giả H.N.H với tựa đề tập 1 Tâm Nguyện và tập 2 Ðạo Phật Nền Giáo Dục Tuệ Tri. Diệu Quang xin ghi vài lời giới thiệu Tập 1 cùng các bạn cư sĩ bốn phương. Tâm nguyện I đến tay quí vị thì Tâm Nguyện II sẽ tiếp theo để chào đón quí vị đầu năm mới.

Nếu tất cả đệ tử cư sĩ của Ðức Phật mà có tâm nguyện như các cư sĩ này dám ăn dám nói thẳng, chẳng bao giờ sợ địa ngục của Ðại Thừa mà từ xưa đến nay họ đã xây dựng những loại địa ngục này để hăm dọa và bịt miệng tín đồ khi những tu sĩ này phá giới, phạm giới, sống phi đạo đức, không đúng phạm hạnh của người tu sĩ đệ tử của Ðức Phật.

Sau khi rõ thấu tâm nguyện của quí bạn cư sĩ trong nước cũng như ở hải ngoại qua những bức thư, và đặc biệt thư của một cư sĩ ở Mỹ với tâm nguyện ước ao Thầy biên soạn một giáo án tu tập cho người cư sĩ vì sự trường tồn của Chánh Phật Pháp để chấn hưng Phật Giáo, Diệu Quang góp nhặt những bức thư ấy lại, đóng thành sách dự tính lấy tên là Tâm Nguyện và sau này có đủ duyên quí cư sĩ cùng Diệu Quang hợp tác phụ giúp Thầy biên soạn một tập Giáo án tu tập cho người cư sĩ vì sự trường tồn của Chánh Phật Pháp. Những tập sách đầu tiên này sẽ chuẩn bị cho một giáo án như thế ra đời, nhưng Thầy khuyên chúng tôi nên đặt ngay tên sách là Giáo Án Tu Tập Cho Người Cư Sĩ Vì Chánh Phật Pháp. Do lời dạy này Diệu Quang lấy tên sách như trên.

Trong khi chuẩn bị cho tập 1 Giáo Án Tu Tập Cho Người Cư Sĩ ra đời, rồi kế là tập 2, thì Diệu Quang nghĩ là nên đưa tập Tâm Nguyện I của H.N.H vào tập 1 của bộ sách GATTCNCSVCPP để cùng có một tên chung trong giáo án tu tập cho người cư sĩ. Khi được gom chung vào một sách thì rất tiện lợi việc phổ biến và giữ gìn những ý kiến hay và chân thật, dể chấn chỉnh Phật Giáo trong một giai đoạn vàng thau lẫn lộn.

Diệu Quang rất mong được đọc thư quí bạn cư sĩ bốn phương. Mỗi bạn có cái nhìn thấy biết sự đúng sai của Phật Giáo hiện giờ và mạnh dạn nói lên để cùng nhau góp thành những viên đá, viên gạch xây dựng lại tòa nhà Phật Giáo đã bị nghiêng ngả sụp đổ từ lâu. Nếu quí bạn không góp sức cùng với Thầy, không có tiếng nói của quí bạn thì chắc chắn giáo án tu tập cho người cư sĩ vì sự trường tồn của Chánh Phật Pháp sẽ không thành hình. Giáo án này không thể nào một mình Thầy làm xong được, vì Thầy còn rất nhiều việc phải làm, nhất là bộ sách Ðạo Ðức Làm Người mà Thầy đang đầu tư rất nhiều trí tuệ để hoàn thành, đó là một giáo án tu tập cho con người vì nền hòa bình thế giới.

Trải qua hơn hai ngàn năm, ngôi nhà Phật Giáo đã có quá nhiều sự sai lệch trong đó, nếu Tăng, Ni và Cư sĩ không thật tâm đoàn kết nhau lại, không dám nói lên cái sai, không dám dựng lại cái đúng thì làm sao gọi là chấn hưng Phật Giáo.

Muốn chấn hưng Phật Pháp thì phải nêu rõ cái đúng của Phật Pháp và vạch trần bộ mặt giáo pháp giả dối của ngoại đạo đang ẩn núp trong cơ thể Phật Giáo và đang đục phá giới luật và giáo pháp của Ðức Phật trong suốt một chiều dài thời gian hơn hai ngàn năm trăm bốn chục năm.

Bây giờ Tăng Ni và Cư sĩ còn đợi chừng nào nữa mà không dám nói thẳng, lại cam tâm chịu đựng một gánh nặng trên vai bởi những tu sĩ đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, nếu không chấn chỉnh lại thì tâm nguyện của quí vị vì sự trường tồn của chánh Phật Pháp chỉ là một ước muốn suông mà thôi và con đường tu hành của quí vị cứ theo lối mòn cũ của Phật Giáo Ðại Thừa thì chỉ hoài công vô ích.

Nếu quí vị là tu sĩ chân chánh thì quí vị đâu có sung sướng gì khi tu hành không đúng chánh Pháp của Phật, đã không giải thoát mà còn làm gánh nặng cho xã hội; nếu quí vị lợi dụng cơm ăn áo mặc của người khác để tạo danh tạo lợi cho mình thì quí vị tự biến mình trở thành những người lừa đảo nói láo có sách vỡ, có cấp bằng. Chính cấp bằng Phật học của quí vị là tấm bình phong để giúp cho quí vị nói láo dễ dàng mà còn được người ta kính phục, chứ quí vị tu hành có giải thoát cái gì. Cấp bằng Phật học không giúp cho quí vị làm chủ sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Vai trò của người cư sĩ hiện giờ trong giai đoạn chấn hưng Phật Pháp là phải can đảm, dũng mãnh dám ăn dám nói, xem địa ngục của Ðại Thừa là cảnh du ngoạn, là danh lam thắng cảnh, là nơi hóng mát, là sự lừa dối, là thứ hù dọa người mê tín ngu si. Ðịa ngục ấy nếu có thì chỉ dùng để dành cắt lưỡi, nấu dầu những nhà sư mạo danh tu Phật giáo mà phạm giới, phá giới và bẻ vụn giới, v.v... và những nhà sư bày nhiều trò mê tín lừa đảo, lường gạt để móc tiền tín đồ Phật Giáo một cách vô lương tâm.
Trang chủ