17 năm trước, tôi đã đọc Mưa mùa hạ của nhà văn Ma văn Kháng, đúng thời điểm dư luận "sốt" lên xung quanh những ý tưởng khá táo bạo mà nhà văn đề cập trong cuốn tiểu thuyết này. Nhiều người thích sự bạo dạn, mới mẻ trong ngòi bút của Ma văn Kháng khi ông lật tẩy, đả phá những vấn đề tiêu cực tồn tại trong xã hội một cách không thương tiếc. Thích cái sự ví von của ông ở hình ảnh đàn mối với những đêm giao hoan lạc thú khởi đầu cho những cuộc sinh sôi, nảy nở, bành trướng của loài sinh vật mà sức phá hoại của nó đã đi vào lịch sử "Tổ mối hổng sụt toang đê vỡ". Cũng không ít người tiếc khi không tìm thấy sự dung dị, chân chất mà ấm áp trong văn phong của ông như thời "Mùa lá rụng trong vườn". Người ta chê ông "nhiều triết lý", trang nào cũng triết lý, các nhân vật cứ gặp nhau là triết lý, mỗi người một diễn đàn, hùng biện say mê, ép cho bằng được kẻ đối thoại phải ngồi im trên trang sách mà nghe. Lại có người không thích sự bỗ bã, tục tĩu trong ngôn ngữ đời thường của một số nhân vật Thưởng, Hảo, ông Tiếu, Loan... Trên thực tế, bỗ bã, tục tĩu vốn là kiểu nói đầu lưỡi của những kẻ vô sỉ, bất lương nhưng không nhất thiết phải thể hiện đậm đặc ở những trang viết có sự xuất hiện của những loại người này, người đọc mới hiểu bản chất của chúng là xấu. Tiếng Việt rất phong phú, sự đa nghĩa của nó chắc chắn giúp nhà văn giải quyết ổn thoả sự khúc mắc của người đọc về sự thô tục trong ngôn ngữ của một số nhân vật. Và như vậy, Mưa mùa hạ có lẽ đã trau chuốt hơn nếu như tác giả không muốn tạo "ép phê' với người đọc bằng việc "bê" thứ ngôn ngữ đời thường thô ráp vào văn.
Đang tải sách
Trang chủ