Án Mạng Bạch Tuyết của Minato Kanae xuất bản lần đầu tiên vào năm 2012 tại Nhật Bản. Câu chuyện bắt đầu từ một vụ án bí ẩn: Thi thể nữ nhân viên xinh đẹp của công ty mĩ phẩm nổi tiếng được tìm thấy trong tình trạng cháy đen. Phóng viên tự do Akahoshi bắt đầu lần theo các manh mối, tự mình điều tra để lên bài cho một tuần san.

Các suy đoán lan truyền trên mạng, tin tức báo chí ngày càng đi quá xa. Nguồn thông tin hỗn loạn. Ác ý núp lùm dưới vỏ bọc ẩn danh và tâm lí đám đông. Trong kiệt tác trinh thám này, những câu chuyện ngồi lê đôi mách rốt cuộc sẽ hướng mũi dao tấn công về phía ai? Và đâu mới là sự thật?

Tiểu thuyết có phim điện ảnh chuyển thể do đạo diễn Nakamura Yoshihiro sản xuất, được công chiếu năm 2014.

Năm 2007, Minato Kanae nhận giải Nhân tố mới trong lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám với truyện ngắn Kẻ truyền đạo. Năm 2008, bà cho ra mắt tiểu thuyết Thú tội, với Kẻ truyền đạo là chương mở đầu; tác phẩm này sau đó giành được giải thưởng Nhà sách Nhật Bản năm 2009. Minato Kanae còn được trao giải thưởng của Hiệp hội tác giả trinh thám Nhật Bản, hạng mục Truyện ngắn năm 2012 với tác phẩm Ngôi sao của biển, và giải thưởng Yamamoto Shugoro năm 2016 cho tiểu thuyết Utopia. ***********

Nội dung cuốn sách Án Mạng Bạch Tuyết bắt đầu với tin tức về vụ sát hại Miki Noriko – nữ nhân viên trẻ tuổi, tốt bụng và hết mực được lòng mọi người đã khiến cho bất cứ ai từng tiếp xúc với cô đều buộc phải bàng hoàng. Theo nhận định ban đầu, nạn nhân đã bị kẻ thủ ác dẫn dụ tới một công viên vắng vẻ, sau đó bị tấn công bằng hàng chục nhát dao dẫn tới tử vong, rồi cuối cùng là bị thiêu cháy tới mức thi thể trở nên biến dạng. Nạn nhân quá đỗi xinh đẹp, hành vi gây án vô cùng tàn khốc, vụ án theo đó cũng được dư luận hết mực quan tâm và gọi bằng cái tên mĩ miều là “Án mạng Bạch Tuyết”. Cũng chính bởi “tiềm năng” khai thác không thể hấp dẫn hơn này mà theo thời gian, “Án mạng Bạch Tuyết” dần thoát ly khỏi tư cách là một vụ án mạng đơn thuần, giờ đây, vụ án cũng như những người liên đới đã trở thành một miếng mồi béo bở để các đơn vị truyền thông mặc sức xâu xé, để những kẻ chẳng mấy liên quan có dịp thêm mắm dặm muối, thần thánh hóa nạn nhân, dồn ép các đối tượng tình nghi, rồi cuối cùng biến tướng sự việc trở thành một thiên truyện li kì bí ẩn. Người có công lớn nhất trong việc thai nghén và thành tạo nên mớ hổ lốn này, không thể không kể đến Akahoshi Yuuji.

► Sách khác bạn cũng sẽ thích:

Akahoshi Yuuji, người tự dưng là “phóng viên điều tra hiện trường”, thực chất chỉ là cây viết tự do cho một tuần san ế ẩm ít ai biết tới. Đánh hơi được tiềm năng to lớn của vụ án, gã đã quyết định bắt đầu một vụ điều tra không chuyên, gặp gỡ trực tiếp với những đối tượng liên quan, lần mò theo những manh mối tủn mủn để từ đó thu thập tư liệu, đăng tải thông tin lên mạng xã hội cá nhân, lên tuần san mà gã cộng tác cùng. Với khả năng cắt ghép tài tình cùng với đạo đức nghề nghiệp giờ đã chẳng còn có lấy một mẩu nhỏ, Akahoshi Yuuji đã vô cùng thành công trong “công tác” dắt mũi dư luận, hướng mũi dùi chỉ trích vào một người phụ nữ đáng thương, ngấm ngầm khẳng định chị ta là hung thủ, khi mà trên tay gã thậm chí còn chưa hề có lấy bất cứ một bằng chứng mang tính pháp lý nào.

Trong Án mạng Bạch Tuyết, theo đó, cũng có cấu trúc hoàn toàn khác hẳn với những thiên tiểu thuyết trinh thám khác mà mình đã từng đọc qua trước đây. Theo chân Akahoshi, sử dụng lối trần thuật đa góc nhìn, nhiều lời kể, cuốn sách mang dáng dấp của một tập hồ sơ lưu trữ hơn là một câu chuyện với cốt truyện, tình tiết và nhân vật hoàn chỉnh. Ở đó, mỗi nhân vật/mỗi người được hỏi/mỗi đối tượng phỏng vấn lại có cơ hội để bộc bạch những suy nghĩ, nhận định khác nhau, từ đó toát lên cá tính và thái độ của chính họ đối với cá nhân đang được nhắc tới. Có những người ca ngợi, không ít kẻ chỉ trích, cũng không thiếu những ý kiến trung lập, song điểm chung giữa hàng chục đối tượng được Akahoshi lựa chọn để thu lượm ý kiến đó chính là nhiều lúc, họ sẽ không thể kiểm soát được phát ngôn của mình, rồi vô tình đưa ra những thông tin lan man, ngoài lề – song thực chất lại là phần thịt rữa ôi tanh mà tên kền kền Akahoshi không khỏi thích thú.

Từng bước, từng bước, “cuộc điều tra” của gã dần trở thành một mớ hỗn tạp, ngập ngụa trong tin bẩn, việc khai thác thông tin giờ cũng chẳng còn nhằm mục đích hỗ trợ điều tra nữa, mà đã biến tướng trở thành công cụ để xào nấu nên những trang tin sốt dẻo, hấp dẫn dư luận, thu về bộn tiền. Xuyên suốt gần ba trăm trang Án mạng Bạch Tuyết, Minato Kanae không hề có lấy một từ miêu tả Akahoshi, gã chỉ được xuất hiện qua những đại từ nhân xưng thiếu rõ ràng, hay loáng thoáng ẩn hiện qua một tài khoản mạng xã hội nghèo nàn thông tin, song dẫu vậy, chân dung gã đàn ông này vẫn hiện lên một cách chân thực tới không thể tin được. Phải chăng, bằng việc “ẩn danh” nhân vật, tác giả đang cố gắng hữu hình hóa cả một hệ thống truyền thông bẩn, nơi mà điều duy nhất người đưa tin quan tâm chỉ là món hời mà những trang viết vô đạo đức bản thân viết ra có thể đem tới, chứ không phải là cảm nhận của nạn nhân hay những thông tin đúng sự thật.

Phần đầu và phần giữa của cuốn sách đơn thuần chỉ là một tập bài viết ngồn ngộn thông tin, tuy nhiên phần cuối, khi đọc bức thư mà kẻ tình nghi số một – đối tượng bị dư luận tấn công suốt cả tháng trời ròng rã, ta dễ dàng nhìn thấy được những xúc cảm dữ dội, như đã kìm nén lâu lắm rồi có dịp đột ngột tuôn chảy. Câu chuyện của chị, dù đau đớn song đáng buồn, lại là câu chuyện không quá khó để tìm thấy, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, nơi mà thông tin là thứ có thể được trao truyền dễ dàng chỉ bằng một cái nhấp chuột, nơi mà mỗi cá nhân dường như đều được trao cho cái quyền phán xét, lan tỏa sự thù ghét dưới cái mác ý kiến cá nhân. Tới tận cuối cùng, chị vẫn phải lang thang trong sợ hãi, biết chắc rằng cuộc sống của bản thân đã hoàn toàn bị đảo lộn, dù cho danh tính kẻ thủ ác giờ đã được mang ra ngoài ánh sáng.

Nếu nói một cách thực lòng, yếu tố trinh thám trong Án mạng Bạch Tuyết không phải là điều mà mình đánh giá cao, bởi cách giải thích cho những nghi vấn được đặt ra ở đầu truyện vẫn chưa thực sự khiến mình thỏa mãn. Tuy nhiên, nếu đơn thuần chỉ xem đây là một tập tư liệu ghi lại những tác động khôn lường của truyền thông, của tâm lí đám đông đối với cuộc đời của cả một con người, cuốn tiểu thuyết của Minato Kanae đã hoàn thành phần việc của mình vô cùng xuất sắc. Trong bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ đâu, truyền thông bẩn luôn là điều không thể dung thứ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong mọi trường hợp, người phụ nữ lại luôn là đối tượng dễ bị tấn công, dễ chịu tổn thương hơn, cũng như những câu chuyện liên quan tới đời sống riêng tư của họ đồng thời là địa hạt màu mỡ để những trang tin bẩn thỏa thích cày xới. Chưa dừng lại ở đó, những kẻ buôn tin dường như cũng thường sở hữu quá nhiều quyền lực, quá nhiều lý do để có thể thoái thác trách nhiệm của bản thân – giống như cách ban biên tập tuần san Taiyo đã thẳng tay phủ nhận mọi trách nhiệm liên đới, hay gã “nhà báo” Akahoshi đơn thuần chỉ cần thông báo hết hạn hợp đồng rồi êm xuôi qua chuyện. Điều này khiến mình nghĩ nhiều, và lại càng thêm xót xa cho số phận người phụ nữ bất hạnh trong truyện.

Vậy là, hóa ra, Táo độc không chỉ có một trái. Và ma thuật đen của Phù thủy cũng có thể được cắm rễ ở bất kỳ đâu.

*******

Câu chuyện khởi đầu bằng cú điện thoại thông báo của Kanou Risako, đồng nghiệp với nạn nhân, “Bạch Tuyết” Miki Noriko, để thông báo với một nhà báo về cái chết của đồng nghiệp mình. Nạn nhân được tìm thấy tại khu rừng thuộc công viên gần chỗ làm, với nhiều nhát đâm trên ngực, cơ thể bị thiêu trụi. Mọi nỗi ngờ hoặc dần đổ về phía người vào làm cùng thời điểm Miki Noriko được nhận vào, Shirano Miki, người đồng nghiệp chất phác, đảm đang nhưng rụt rè, kém sắc hơn Noriko. Từ những câu chuyện bất công nơi chỗ làm như người Shirano thích bỗng quay ra thích Noriko, việc Shirano pha trà để Noriko bưng lên… dấy lên cho người đọc hoài nghi rằng sự ghen ghét âm ỉ tích tụ dần, đến một ngày phù hợp, nó đã bùng nổ và dẫn đến hành vi giết người. Nhưng nếu câu chuyện dừng ở đây thì chúng ta đã không có nhiều điều để nói. Cái hay trong cách viết của Minato Kanae đấy là, mọi câu chuyện đều được kể bằng góc nhìn chủ quan. Lần này, chúng ta theo chân một tay nhà báo hèn nhát ưa lảng tránh đến lấy lời khai của đồng nghiệp, người quen nghi phạm, nhận lại những lời kể dựa trên cảm tính và cách họ nhìn nhận nghi phạm. Rằng nghi phạm là một đứa lập dị hay nghi phạm có dấu hiệu bất thường từ khi nào… để rồi biên ra bài báo theo kiểu cắt câu lấy nghĩa, cốt để quy toàn bộ tội lỗi lên nghi phạm, lèo lái vụ án thành câu chuyện cổ tích “Hoàng hậu độc ác ghen ghét với tài sắc của Bạch Tuyết nên đã ra tay sát hại”.

Như mọi câu chuyện khác đồng tác giả, trong Án Mạng Bạch Tuyết mọi lời kể đều xuất phát từ tình cảm cá nhân rất nhiều, vô tình thêm chút mắm chút muối là đủ bóp méo sự thật về người được kể. Đấy cũng là cái hay của Minato Kanae. Bà luôn cho chúng ta một cái nhìn thật chủ quan, ít tình tiết về vụ án để suy luận ai là người gây án, mà phơi bày tâm tư của người trong cuộc. Nếu Keigo là chuỗi sự kiện được lên kế hoạch chi tiết thì Kanae lại là một tổ hợp tâm lý phức tạp. Phương thức giết người của bà luôn đơn giản, thủ phạm cũng chẳng chạy đi đâu xa, nhưng câu chuyện đằng sau, nguyên nhân dẫn đến hành vi giết người tàn bạo mới là thứ khiến người ta suy nghĩ. Nên trong “Vụ án Bạch Tuyết”, thực lòng nạn nhân chẳng gây cho tôi nhiều thương cảm lắm, ngược lại dưới lời kể của nghi phạm, nạn nhân lại khiến tôi khinh miệt nhiều hơn. Hoặc do tôi cũng là đứa con gái kém sắc, bình thường, cha mẹ không quá đỗi tự hào mà khoe khoang khắp nơi hay được đặt cái tên dễ sinh ra cái biệt danh kém duyên, nên dù không chính thức thành nạn nhân của bắt nạt tại trường học hay bị cô lập, tôi vẫn có đồng cảm nhất định với vài nhân vật trong cuốn sách. Không chỉ một nạn nhân xuất hiện, mà Minato Kanae vẽ ra nhiều số phận, nhiều nạn nhân khác nhau. Có người là nạn nhân của việc bắt nạt học đường, nạn nhân của sự vô tâm trong hành vi bắt nạt của học sinh (thậm chí còn hùa theo), nạn nhân của thói ganh ghét trẻ con được gia đình cổ súy, nạn nhân của việc gia đình đề cao con mình bằng việc hạ bệ đứa trẻ khác xuống. Có người là nạn nhân của áp lực công việc, nạn nhân của sự khao khát được chú ý và vượt mặt đồng nghiệp… Cuối cùng, chẳng phải nạn nhân của hành vi giết người man rợ, mà là nạn nhân của báo chí và cộng đồng mạng.

Câu chuyện Án Mạng Bạch Tuyết này vô tình gợi cho tôi nhớ đến vài vụ việc xảy ra gần đây mà không tiện kể chi tiết, về một du học sinh bị cưỡng hiếp tập thể. Mỗi khi có vụ hãm hiếp nào diễn ra, lúc nào cũng có những kẻ đào bới quá khứ, chỉ trích nạn nhân, đem những lời lẽ vô cảm xối lên họ để thỏa mãn thói tò mò, rồi cả những bài viết được biên dưới danh nghĩa “nghi phạm”, “người bị tố cáo”, nêu lên nguyên nhân mình có hành vi sai trái để kiếm tìm sự thương hại qua màn hình phẳng. Và ở “Vụ án Bạch Tuyết”, nghi phạm trở thành nạn nhân của cộng đồng mạng, nạn nhân thật sự của câu chuyện, chứ không phải nạn nhân vụ án mạng. Những lời lẽ bóp méo của cộng đồng mạng hóa thành sợi dây dắt mũi, đưa người lạ đến mạt sát, chửi rủa nghi phạm ngay khi chưa có bằng chứng. Thói phóng đại và cắt câu lấy nghĩa, trò giật gân câu view nhảm nhí đáng khinh của giới truyền thông, chỉ vì cái lợi trước mặt đã phá vỡ tình cảm bạn bè, và để những kẻ vốn chẳng ưng mắt nhau trở thành anh hùng chính nghĩa bằng lời tố cáo vô căn cứ, lời mạt sát tinh thần nạn nhân cùng gia đình nạn nhân.

Tôi đọc xong Án Mạng Bạch Tuyết, dừng lại và nghĩ thật nhiều thứ. Mọi thứ qua lời kể của người khác bỗng trở nên thật khác, có thể nó thành con dao găm thật sâu vào tim, cũng có thể thành liều thuốc chữa trị tâm hồn chịu nhiều thương tổn. Nếu Shirano biết được lời khai thật sự của bạn bè mình, liệu câu chuyện có đi theo chiều hướng này không? Tôi vẫn muốn biết rõ hơn về nạn nhân, vẫn muốn biết về những khía cạnh khác ngoài việc nạn nhân xinh đẹp hay hấp dẫn, hiểu rõ hơn về động cơ của người gây án. Có nhiều điều tôi chưa thỏa mãn mà câu chuyện đã dừng lại tại đây, thật khó chịu làm sao, bao nhiêu thứ chưa sáng tỏ mà câu chuyện đã kết thúc. Tôi thích cách tác giả khơi gợi câu chuyện mới, thích cách diễn giải loằng ngoằng và đa chiều, nhưng hiếm khi hài lòng về cái kết mà Minato Kanae đưa ra. Kể từ đầu đến khi kết thúc thì chấm một cái rồi dừng lại, chẳng giải quyết dứt điểm các vấn đề để hình thành cái kết mở hợp lý, chỉ đơn giản là hết thôi. Cách kết truyện của bà luôn khiến tôi ấm ức trong lòng, chỉ ao ước cuốn sách dài thêm vài trang thì hay, chỉ một vài trang nữa thôi.

Cuốn sách Án Mạng Bạch Tuyết ấy giống xã hội vậy, chúng ta chẳng biết tin ai, tin vào điều gì, ngay cả những nơi được cho là uy tín thì cũng khó có thể biết điều họ nói ra có chính xác, trung thực hay không. “Vụ án Bạch Tuyết” giữ cái đặc trưng của Kanae, phơi bày mặt trái xã hội bằng hành vi vượt quá tầm kiểm soát, và cái giá luôn là mạng người vô tội, cùng tương lai bao người xung quanh. Cùng dọc cuốn sách nà với ebookvie nhé

******** Tóm tắt nội dung:

Noriko là một nữ nhân viên xinh đẹp của công ty mĩ phẩm Hinode, nổi tiếng với sản phẩm xà phòng Bạch Tuyết. Thi thể của cô được phát hiện trong công viên Shiguretani, bị đâm mười mất nhát và bị thiêu cháy. Nghi phạm hàng đầu là nữ đồng nghiệp Shirono, vào công ty cùng thời điểm với Noriko. Shirono là kiểu người hướng nội, do nhan sắc kém hơn Noriko nên dù tài năng và chăm chỉ hơn thì vẫn bị Noriko cướp mất bạn trai và spot light trong mắt khách hàng và đồng nghiệp.

Khi mọi chứng cứ đều đổ dồn về Shirono thì cô lại biến mất một cách bí ẩn. Phóng viên Akahoshi một mình đi phỏng vấn những người quen biết với nạn nhân và nghi phạm. Trên mạng xã hội, một thế lực bí ẩn cũng đang dẫn hướng dư luận để nhằm thoát tội.

Điểm hay:

– Câu chuyện đơi giản, dễ hiểu. – Cách dẫn dắt tâm lý người đọc tương đối ổn, nhưng so sánh với “Ác ý” của Keigo sensei thì vẫn còn thấp hơn một bậc.

Điểm chưa hay:

– Cách sắp xếp chưa hợp lý, phần “Tư liệu liên quan” của từng chương nên để ngay sau chương đó thay vì để cuối sách, đọc phải lật đi lật lại mắc mệt. – Một câu chuyện rất bánh bèo, xoay quanh những chủ đề ganh tỵ, sắc đẹp, quần áo, thần tượng, giựt bồ, … – Nhiều vấn đề xã hội được đưa vào như trêu chọc chốn học đường, body shaming, mạng xã hội và báo chí dẫn dắt người đọc,… nhưng tất cả đểu không được làm tới nơi tới chốn, thậm chí có thể coi là hời hợt. Nói chung là một bước lùi khá lớn so với tuyệt tác “Thú tội” cùng tác giả. – Rất ít nhân vật nên việc suy đoán hung thủ cũng dễ dàng, yếu tố trinh thám là phụ, phê phán xã hội mới là chính.

Đánh giá: 3 sao

Đang tải sách
Trang chủ