Lê Văn Hưu người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Theo lời các cố lão địa phương thì đất Triệu Trung vốn là trang trại của vị tổ khai sáng dòng họ Lê – quan Trấn quốc bộc xạ Lê Lương thời Đinh Tiên Hoàng, đến nay đã được hơn hai mươi đời. Lê Văn Hưu là ông tổ thứ bảy của dòng họ này. Cuốn Lê thị gia phả hiện còn được bảo tồn, ghi ông sinh năm Canh Dần (1230) là người khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh.
Một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Bác thợ rèn thấy chú bé mới tí tuổi đầu đã chăm lo việc học hành, bèn ra một vế đối để thử tài:
Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở.
Lê Văn Hưu liền đối:
Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên.
Bác thợ rèn ngạc nhiên khen ngợi mãi rồi tặng luôn một cái dùi thật xinh, lại kèm theo ít tiền để mua giấy bút.
Năm Đinh Mùi, Lê Văn Hưu đi thi, đỗ Bảng Nhãn. Đây là khoa thi đầu tiên ở Việt Nam có đặt danh hiệu tam khôi (ba người đỗ đầu: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa). Năm ấy, ông vừa tròn 18 tuổi.
Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan (chức quan trông coi việc hình luật), rồi Binh bộ Thượng thư, rồi Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu. Ông cũng là thầy học của thượng tướng Trần Quang Khải, một trong những danh tướng của cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông.
Trong thời gian làm việc ở Quốc sử Viện, vào năm 1272, ông đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký – bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam, ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (tức Triệu Đà 207 – 136 trước Công nguyên) (*) cho tới Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225), tất cả gồm 30 quyển, được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.
Đang tải sách
Trang chủ