Sách Tập đọc lớp 4 bậc tiểu học trước đây có một bài kể về “Lớp học giữa rừng mơ” thời kháng chiến chống Pháp. Ở lớp học ấy, thày trò đều cơ động và mơ mộng giao nhận cho nhau khoa học căm thù và các khoa học khác. Giữa thung lũng đá được che chở bằng những tán hoa mơ trắng phau của rừng Hương tích, lại dội về từ bên kia sông Đáy cái giọng đại bác cầm hơi của đối phương; kể như lớp học ấy là có một không hai trong nền giáo dục nhân loại thật đấy. Tôi và Thóc là hai trong số sáu mươi ba học sinh của lớp học lịch sử nói trên. Người thầy được kể trong bài tên là cô Bảo Quỳnh. Thóc, ngày đó đã có vợ và một đứa con trai thấy bảo đặt tên là thằng cu Ráy. Quê anh ấy ở An Lương, một làng mạn xế bắc với chùa Hương. Nghe nói làng tinh những đá cùng đá nhưng cổ sơ các cụ đã lập thành nơi thành chốn lam làm đẻ đái như bây giờ rồi. Chúng tôi học hành, chơi đùa và nghĩ. Và sống sót, nói chung khốn đốn hơn bài văn kia nhiều lắm.

Sở dĩ tôi nhắc đến anh Thóc là vì tình cờ hai mươi năm sau tôi gặp lại anh ấy. Thậm chí đã sống cùng anh, khi tôi tốt nghiệp trường sư phạm tỉnh H và được điều động về làm giáo viên xã An Lương. Anh Thóc cũng dạy học - gọi là giáo viên dân lập địa phương - ở xã nhà từ ngày hoà bình lập lại năm Năm-tư kia. Khỏi phải nói, chúng tôi vồ vập, thân quý nhau hết sức ồn ào và kết thành đôi tốt cọc cạch trong cỗ tam cúc sờn mép cũng đáng lắm vậy.
Đang tải sách
Trang chủ